Dân Việt

"Ăn Tết Độc lập" trong ký ức của nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ 02/09/2018 13:00 GMT+7
Trong cuốn album của cha tôi để lại cho con cháu hiện nay, vẫn còn lưu giữ những tấm ảnh mà ông chụp đoàn quân về giải phóng thủ đô. Đi vài cửa ô, ông đã ghi lại hình ảnh các chiến sĩ quân đội của một chính quyền đã giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Tự do độc lập cho một Việt Nam bị thực dân Pháp cai trị, đô hộ 100 năm, nay đã được cởi bỏ xích xiềng nô lệ, chính danh trên bản đồ thế giới có tên Nhà nước: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tôi không bao giờ quên được trước ngày quân ta về ba ngày, tay hiến binh người Pháp, tiếng bồi gọi là Le-Pút Tê, đi xe mô tô ba bánh, mặc đồ trắng, mũ sắt trắng, đánh dã man một người lính da đen say rượu ở Bàn cờ đá trong khuôn viên Chùa Vua. Tôi sợ hãi nắm chặt tay cha tôi run rẩy. Ông bảo, những người lính thuộc địa đánh thuê Âu Phi đều bị đối xử khinh miệt như thế.

img

Đắm say trong niềm vui Tết Độc lập - ngày hội cao nguyên Mộc Châu.  Ảnh: I.T

Khi ấy, ông là họa sĩ trang trí Nha Kiến thiết Hà Nội. Người Pháp lo cho cả gia đình ông vé máy bay, hứa hẹn bố trí nhà cửa rộng rãi ở Sài Gòn, nhưng ông không đi. Khi tôi  lớn lên hỏi, vì sao ông không di cư, ông bảo:

- Cậu ở lại với Chính phủ Cụ Hồ Chí Minh. Nước nhà độc lập, tự do rồi.

Nhiều trí thức Tây học như cha tôi đã ở lại miền Bắc với tâm thế như vậy, dù họ đều hiểu rõ nước Pháp, Kháng chiến và biết rằng, ở lại với Việt Minh là cuộc sống còn khó khăn lắm.

Tết Độc lập, khái niệm ấy bắt đầu xuất hiện trong thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ sống trong vùng tạm chiếm từ sau năm 1954. Và, cũng từ sau năm 1955, gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác ở Hà Nội có tục ăn Tết Độc lập. Cứ đến ngày 2.9, từng năm cậu mợ tôi bao giờ cũng lo cho các con một bữa ăn khác ngày thường.

Chúng tôi được đi chơi quanh hồ Gươm, háo hức xem quân ta duyệt binh, trưa về có bữa cơm thịnh soạn mà bao giờ mợ tôi cũng làm món nem rán Sài Gòn; nem giòn tan ăn với rau sống. Một đĩa thịt quay da vàng rộm mua ở chợ Hôm hay Hàng Buồm hoặc thịt gà và món nấu nào đó. Ăn Tết Độc lập kết thúc lại bằng đêm bắn pháo hoa rợp trời trên hồ Bẩy Mẫu và hồ Gươm. Đó là những kỷ niệm rất đẹp của tuổi thơ hòa bình, độc lập.

Rồi chiến tranh xảy ra. Chúng tôi lên đường chiến đấu. Những ngày ở miền Bắc ăn tết bao giờ cũng xôm trò. Tiêu chuẩn bộ đội được ăn Tết Độc lập là một bữa ăn thật tươi, nhiều món ê hề như ăn cỗ. Anh nuôi giết lợn làm đủ các món ăn truyền thống. Các cửa hàng mậu dịch cũng vào trận địa cao xạ phục vụ bán cho anh em kim chỉ, tem thư, xà phòng và thuốc lá. Năm đóng quân ở Quảng Bình đánh nhau ác liệt, bộ đội vẫn được Đoàn văn công Phòng không không quân tới phục vụ một đêm.

Nhưng cuộc sống trong chiến trường không được như vậy. Trong mặt trận Tây Nguyên mùa mưa, chúng tôi chỉ được ăn ba lạng gạo một ngày thì lấy đâu ra thịt. Ngày Tết Độc lập, lệnh bồi dưỡng cán bộ 6 viên đạn AK. Đạn để đi săn thú mà lấy thịt cải thiện. Bắn được thú rồi phải làm mắm ruốc thật mặn để ăn dần. Tết Độc lập năm 1974, cả đại đội được phát một hộp thịt một cân. Rau môn thục phơi khô cho vào nồi quân dụng  nấu thật nhừ cho cân thịt đó vào đảo thật kỹ, anh nuôi lấy đũa cả tre to đánh tan hết cả thịt. Thi thoảng ai vớ được miếng da lèo phèo mùi mỡ thì hí hửng lắm. Nhìn binh sĩ dưới quyền đang tuổi thanh  xuân ăn Tết Độc lập như thế, tôi rơi nước mắt.

img

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (ảnh nhân vật cung cấp).      

Bao năm nay rồi những cái Tết Độc lập vẫn nằm sâu như ngọn lửa ấm áp âm ỉ cháy trong tâm can tôi. Đấy là khi ở hải ngoại, đạp trên tuyết trắng bắt đầu rơi tháng Chín, tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay cùng với hàng trăm lá cờ các quốc gia khác. Lá cờ màu đỏ thắm máu của bao chiến sĩ anh hùng lứa cha anh đánh Pháp, dựng lại hai từ non nước Việt Nam.  Lá cờ ấy trong tay thế hệ chúng tôi thay nhau bảo vệ kể cả từ Trường Sơn, cả biên cương Tây Nam và phía Bắc lẫn ngoài hải biển Trường Sa và Hoàng Sa muôn trùng bão tố.

Bẩy mươi xuân, nhớ lại ăn Tết Độc lập tôi biết ơn Tổ quốc này, nhân dân này, lá cờ thấm máu này đã cho tôi là con dân của nước Việt Nam độc lập không còn những sự ô nhục khi ngoại xâm đè nén!

Như năm ngoái tôi lên Ít Ong, Sơn La cùng những bà con dân tộc ăn Tết Độc lập, vẫn trong sáng một tấm lòng thủy chung; ăn Tết Độc lập, ăn Tết của Ké Hồ.