Dân Việt

Chở thịt heo bằng xe máy, không đóng thùng sẽ bị xử phạt

Khải Huyền 30/08/2018 08:55 GMT+7
Vận chuyển thịt và các sản phẩm động vật làm thực phẩm phải đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), việc dùng xe gắn máy, xe ba gác để chợ thịt heo đã giết mổ mà không có thùng kín cũng sẽ bị xử phạt.

Sáng sớm ngày 28.8, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP.HCM), Đội Quản lý ATTP số 9 (thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM) đã kiểm tra và phát hiện xe máy biển kiểm soát 94F9-8996 do ông Nguyễn Trần Văn Lộc (SN 1992, ngụ quận 8, TP.HCM) đang vận chuyển 300kg thịt heo từ sạp Bình Ngân P42 thuộc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đi giao hàng cho khách.

Qua kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện và xử lý về hành vi vận chuyển sản phẩm thịt heo sử dụng vật dụng chứa đựng, bảo quản sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.

Đây là lần thứ hai, đối tượng vi phạm lỗi vận chuyển sản phẩm động vật bằng xe gắn máy, không sử dụng thùng kín để đựng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Đồng thời cũng nhắc nhở ông Nguyễn Trần Văn Lộc phải dùng thùng kín được vệ sinh sạch sẽ để vận chuyển thực phẩm và tuyệt đối không được để thực phẩm ở ba ga trước của xe để vận chuyển.

img

Việc chở thịt heo bằng xe gắn máy nhưng không đóng thùng kín sẽ bị xử phạt hành chính. 

Theo đại diện Ban Quản lý ATTP TP.HCM, vận chuyển là một khâu trong quy trình giết mổ, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thịt heo. Để có sản phẩm đảm bảo an toàn, khâu vận chuyển được quy định phải sử dụng thùng kín, có nắp đậy.

Trong Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM, việc vận chuyển cũng được quy định phải sử dụng thùng kín, được niêm phong vòng truy xuất nguồn gốc mới có thể nhập chợ và rời chợ đầu mối để phân phối về các chợ lẻ.

Trước đó, từ giữa năm 2017, TP.HCM đã triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền…

Tại các chợ này, luôn có lực lượng liên ngành các cơ quan chức năng (thú y, quản lý thị trường, công an...) và và lực lượng địa phương kiểm tra theo hướng: Thịt heo được kiểm tra đầy đủ theo quy trình chăn nuôi sạch, sau khi xuất chuồng và xuất khỏi cơ sở giết mổ sẽ được lực lượng quản lý biết nhờ phần mềm ứng dụng gắn trên con heo.

Những loại thịt này sẽ được ưu tiên cho nhập chợ nhanh để thuận lợi cho bà con kinh doanh. Ngược lại, những xe thịt heo không đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc sẽ bị lực lượng chức năng cho dừng xe kiểm tra, nếu thịt heo không đủ thông tin truy xuất sẽ bị từ chối, không cho nhập hàng vào 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền.

img

Theo quy định, vận chuyển thịt heo sau khi giết mổ sẽ phải dùng xe lạnh, thùng kín, thùng lạnh... để đảm bảo ATTP.

Còn theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm thịt, cần hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Cụ thể, miếng thịt tiếp xúc với môi trường bên ngoài càng lâu, mức nhiễm vi sinh, vi khuẩn càng cao.

Lý do là ngay sau giết mổ, các biến đổi sinh hoá trong thịt vẫn tiếp tục xảy ra theo chiều hướng tự phân giải. Nếu thịt để lâu bên ngoài, chất lượng miếng thịt bị thay đổi, cấu trúc thịt lỏng lẻo hơn, thịt có mùi ôi, mức dinh dưỡng kém đi. Do đó, khâu vận chuyển cũng phải được chăm chút, đảm bảo hạn chế tiếp xúc trực tiếp với môi trường.

“Muốn miếng thịt được xem là an toàn, phải kiểm soát con heo trước giết mổ, tức quá trình nuôi, kiểm dịch thú y. Còn sau giết mổ là vấn đề bảo quản, trữ mát, vận chuyển, hạn chế tối đa tiếp xúc với con người và môi trường bên ngoài để tránh nhiễm chéo”, ông Thành nói.

Ở Việt Nam, hình ảnh các thương lái sử dụng xe gắn máy, xe ba gác để chở thịt heo từ cơ sở giết mổ hoặc từ chợ đầu mối đi phân phối đến các chợ lẻ… diễn ra thường xuyên. Chưa kể, bất kể trời mưa, nắng… các xe máy này vẫn được sử dụng để vận chuyển thịt heo mà không có thùng mát, thùng kín bảo vệ. Đây là một phần nguyên nhân khiến thịt heo bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn và giảm chất lượng.

“Việc xử phạt thương lái dùng xe chở thịt không đảm bảo ATTP để nâng cao ý thức của người dân trong khâu vận chuyển sản phẩm thịt, đảm bảo vệ sinh và chất lượng cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng”, đại diện Ban Quản lý ATTP TP.HCM giải thích.