Dân Việt

Hàng nghìn cây thông 20 năm tuổi bị đốn hạ cách ủy ban xã chỉ 1km

Văn Long 31/08/2018 09:13 GMT+7
Hàng nghìn cây thông khoảng 20 năm tuổi đã bị đốn hạ hoặc khoan gốc, bơm thuốc diệt cỏ vào cho chết dần rồi chiếm đất, trồng cây. Vị trí rừng thông bị "bức tử" chỉ cách trụ sở ủy ban xã 800m, cách trụ sở Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng hơn 1km.

Thực trạng trên diễn ra tại xã Phi Liêng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) từ đầu tháng 7.2018, tại tiểu khu 216, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phi Liêng quản lý (thuộc địa giới hành chính xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng).

img

Thông bị đốn hạ nằm la liệt tại tiểu khu 216.

Theo chân một cán bộ BQLRPH Phi Liêng, nhóm PV đã đến được địa điểm rừng bị tàn phá nặng nề nhất. Trước mắt chúng tôi là một khoảnh rừng thông mênh mông bị đốn hạ, cùng đó là nhiều cây thông đứng chết khô do bị dùng rìu vạt hết lớp vỏ bên ngoài, nhựa thông vẫn còn thơm nồng. Ngoài ra, có nhiều cây bị khoan lỗ, bơm thuốc diệt cỏ vào, cách làm này sẽ làm cây chết mục dần mà không phải dùng đến cưa máy cắt hạ.

img

Những gốc thông bị vạt gốc, nhựa vẫn rỉ ra thơm nồng.

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, nhiều lóng gỗ dài từ 1- 4m, có đường kính 20 – 60cm cũng bị gom thành đống để đốt, nhiều gốc thông đã bị múc và thay vào đó là những cây dổi, lát hoa mới trồng.

Ông Lê Văn Tân – Trưởng BQLRPH Phi Liêng cho biết, tại tiểu khu 216 có 459 cây thông 3 lá đường kính từ 20 - 60cm bị cưa hạ, 556 cây khác bị đổ hóa chất đang chết khô, đa phần là cây rừng trồng từ năm 1997. Tổng diện tích rừng bị phá trái phép là trên 39.800m2, trong đó 24.500m2 đã được các đối tượng phá rừng trồng những cây dổi, lát hoa cao khoảng 2m, một số trồng cây vông, cà phê. "Các đối tượng phá rừng thường lợi dụng thời gian gần tối, sáng sớm và khi trời mưa to gió lớn để hoạt động. Do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn", ông Tân giải thích.

img

Vạt rừng thông bị bơm thuốc diệt cỏ vào gốc đang héo úa, chết dần.

Được biết, toàn bộ diện tích rừng bị phá nêu trên thuộc rừng sản xuất, trong đó một phần được giao khoán cho các hộ đồng bào dân tộc thôn Boóp La (xã Phi Liêng) quản lý, bảo vệ bằng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2018. Ông K’La làm tổ trưởng tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng này.

Cũng theo ông Tân, cơ quan công an đã mời ông Nguyễn Công Thức (cán bộ tiểu khu 211, BQLRPH Phi Liêng) lên làm việc để làm rõ, vì trong thời gian ông Thức được giao quản lý tạm tiểu khu 216 đã dẫn đến việc phá rừng nghiêm trọng trên. Ông Tân cho biết, đơn vị cũng đang yêu cầu ông Thức giải trình sự việc và viết kiểm điểm.

Làm việc với PV, ông Trần Thanh Lễ - Chủ tịch UBND xã Phi liêng cho biết, các đối tượng phá rừng bằng cách đổ thuốc trừ sâu vào gốc khiến cây chết chậm, trong thời gian dài nên khó phát hiện. Nếu phát hiện thì chính quyền địa phương chỉ xử phạt hành chính bởi diện tích nhỏ.

img

Những gốc thông bị đốn hạ có đường kính 20 - 60cm tại tiểu khu 216.

Trước câu hỏi liệu có sự tiếp tay của lãnh đạo địa phương hay không, ông Lễ khẳng định: “Nếu phát hiện người nhà cán bộ xã tham gia phá rừng, hay có tiếp tay, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý theo pháp luật”.

Ông Lễ cho biết thêm, liên quan đến vụ việc, vừa qua Công an huyện Đam Rông đã bắt giam Lê Xuân Tuấn (ngụ xã Phi Liêng) để điều tra. Bước đầu, Tuấn khai nhận cưa hạ cây và đưa xe cơ giới vào san lấp, múc đất tại khu rừng trên để trồng cây khác.

img

Gốc thông bị khoan lỗ sâu 10  - 15cm rồi đổ thuốc diệt cỏ vào để cây chết dần nên khó phát hiện.

Đại diện BQLRPH Phi Liêng cho biết, sắp tới sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại, nếu phát hiện sai phạm, lấn chiếm, chia lô thì sẽ tổ chức giải tỏa, trồng lại rừng, bên cạnh đó sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuần tra.

Theo tìm hiểu của PV, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã có kết luận về việc trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Đam Rông trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, tại huyện này diện tích phá rừng phát hiện qua nghiệm thu giao khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong 2 năm là 90,3ha. Tuy nhiên, các đơn vị mới lập hồ sơ xử lý 148 vụ, diện tích 57,94ha, khối lượng lâm sản 496,75m3. Việc chưa lập hồ sơ xử lý 32,36ha rừng bị phá khi giao khoán là chưa đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Công tác tuần tra, phát hiện xử lý vi phạm trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp chưa kịp thời, không phát hiện đối tượng vi phạm 582/798 vụ. Ngoài ra, kết quả thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng đạt thấp, tổng số tiền phạt chưa thu được là 982,7 triệu đồng/1,080 tỷ đồng (chiếm 90,9%).