Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip quay cảnh được cho là một giáo viên tiểu học đang hướng dẫn các vị phụ huynh học sinh có con đang theo học lớp 1 về chương trình dạy học mới với những thay đổi về cách đánh vần.
Đây chính là cách đánh vần nằm trong sách Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và chính thức có công căn cho phép phát hành trên cả nước từ ngày 22/8/2017 trên nguyên tắc tự nguyện của học sinh và nhà trường.
Khi xem clip, nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang về cuốn sách có cách đánh vần lạ cũng như việc cho phép tồn tại hai cách đánh vần cho học sinh lớp 1.
Cô giáo hướng dẫn học sinh cách đánh vần cực lạ. (Ảnh: Cắt từ clip)
Xung quanh vấn đề này, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục đã lên tiếng.
Theo ông Hùng, Bộ sách Công nghệ giáo dục chỉ là một tài liệu dạy, là một giải pháp sư phạm để đạt được mục tiêu đã đề ra trong chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Tài liệu này sử dụng bên cạnh bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 được sử dụng đại trà.
Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục cho rằng, một quốc gia nên có một chương trình thống nhất. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu do chương trình đặt ra thì nên có nhiều phương án khác nhau, nhiều cuốn sách giáo khoa khác nhau được thể hiện qua tài liệu dạy khác nhau.
“Nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại, thậm chí nhiều người phản ứng vì họ quen với cách dạy học theo một cuốn sách giáo khoa đồng nhất nhưng quan điểm đó không phù hợp với quan điểm giáo dục thế giới và cũng không phù hợp với quan điểm hướng đổi mới chương trình sách giáo khoa sắp tới”, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục cũng khẳng định, tài liệu Công nghệ giáo dục chưa phải là sách giáo khoa chính thức. Hội đồng thẩm định, thẩm định tài liệu này như là một tài liệu dạy học, cho phép được tiếp tục thí điểm trong phạm vi hạn chế.
Theo PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, sở dĩ Hội đồng thẩm định có đề nghị với Bộ GD-ĐT là nên coi tài liệu này như là một tài liệu dạy học là căn cứ trên những đánh giá ưu điểm và hạn chế của tài liệu này và đặc biệt là căn cứ vào việc thí điểm gần 40 năm qua.
“Theo kế hoạch 2019, Bộ sẽ đưa cuốn SGK Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tiếp tục sử dụng tài liệu này như tài liệu thí điểm”, ông Hùng cho hay.
Ngoài ra, sắp tới, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau. Cuốn sách giáo khoa nào giúp học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình bằng phương pháp hiệu quả nhất sẽ được nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh ưu tiên lựa chọn.
Cuốn sách này giúp học sinh phát triển được hiệu quả ở mức nhất định, kĩ năng đọc thành tiếng và viết chính tả nhưng cũng có một số mặt hạn chế như kĩ năng đọc hiểu của học sinh và kĩ năng nghe và nói chưa thực sự chú ý nhiều. Trên thực tế dạy học thì giáo viên và học sinh phải bỏ nhiều công sức hơn bộ sách đại trà của sách hiện hành.
“So với cuốn sách Tiếng Việt đại trà của Bộ GD-ĐT hiện nay thì sách Công nghệ giáo dục chưa đảm bảo được mục tiêu phát triển kĩ năng một cách toàn diện, đọc thành tiếng, viết chính tả, đọc hiểu, nói và nghe, phát triển kĩ năng một cách toàn diện. Sách Tiếng Việt đại trà có ưu thế hơn nhưng riêng về phương diện đọc thành tiếng và viết chính tả thì sách Công nghệ giáo dục có những ưu thế rất nổi bật”, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục đánh giá.
Lãnh đạo một trường sử dụng cuốn sách Công nghệ giáo dục hoàn toàn trong giảng dạy Tiếng Việt lớp 1 khẳng...