Chúng tôi đến với nhau khi tôi đã “một lần đò”. Dù cố giữ gìn hạnh phúc đang có nhưng tôi không khỏi có chút “luyến tiếc” người xưa. Ông xã vô tư hay cố tình không nhận ra khiến tôi càng cảm thấy dằn vặt…
Tr.Nguyên (TP. HCM)
• Việc người xưa quay về quấy quá cuộc vui “rổ rá cặp lại” không hiếm. Màn gây rối của người tiền nhiệm được thi triển dưới nhiều chiêu thức. Chút hoài niệm thoáng đến vụt đi có mà ngang nhiên xộc lên giường nằm chềnh ềnh phá hoại gia cang nhà người cũng lắm.
Ảnh minh họa
• Thâm hiểm khi người xưa buộc người nay mở cuộc so đo, đau nhất là so đo trên giường. Đặt giường chiếu lên bàn cân cũng năm bảy kiểu. Thẳng thừng thì xét nét từng động tác, tư thế. Bâng quơ thì nhăn mặt nhíu mày, đá thụng đụng nia.
• Luyến tiếc có khi lãng đãng như thần thái hào hoa, lịch lãm, sành tâm lý của người xưa khác biệt với vẻ cục mịch, võ biền của người mới. Xét kỹ, kiểu này có phần nham hiểm hơn bởi đương sự có xu hướng toàn bích, lãng mạn hóa người xưa.
• Phần lớn quý bà, quý cô dù hé cửa “dẫn” tình xưa lẻn lên giường cũng gắng giữ kín nỗi lòng, có tiếc nuối cũng nói trại đi nhưng không thiếu bà sẵn lòng tạt gáo nước lạnh: người mới không đáng “xách dép” người đến trước. Thực tế, đang yên lành thì tiếc nuối ít xuất hiện, chúng thường phục sẵn đợi lúc bất hòa, giường chiếu nay ốm mai đau mới ra tay.
• Phía nạn nhân, bất kể ông hay bà, hẳn chẳng ai vui vẻ nổi khi bị người chung chăn mang ra so kè. Tuy vậy, nếu người bị cân phân là các ông thì hậu quả khó lường hơn. Viễn cảnh “lần đò hai” bị đầu độc hay bức tử không quá xa vời.
• Dù cú “hồi mã thương” của người xưa thế nào thì sự tàn hại của nó là khó tránh, sớm hay muộn, ít hay nhiều mà thôi. Trước sự đã rồi, anh/chị nào có ý định “dan díu” người xưa kiểu này nên suy nghĩ kỹ. Một lần “mở cửa” cho tình xưa vào thì sớm muộn bạn cũng sẽ trao luôn… chìa khóa, tiễn hạnh phúc mới… lên đường.
(*) Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.