80% phụ nữ sống ở vùng nông thôn, vùng sâu không được tạo điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ, không chăm sóc được dinh dưỡng cho trẻ dẫn tới trẻ bị thấp còi. Để cải thiện tình trạng này, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng nên đưa vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ vào hương ước của làng để tuyên truyền.
Còn nhiều cái khó
Hiện nay, số phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ ở nông thôn vẫn rất lớn, nhưng công việc vất vả, đời sống khó khăn khiến việc nuôi trẻ cũng khó khăn. Nhất là trẻ trong 6 tháng đầu thường không được bú sữa mẹ hoàn toàn.
Buổi tư vấn thực hành nuôi con bằng sữa mẹ tại huyện Thanh Miện, Hải Dương. |
Chị Nguyễn Thị Thu (26 tuổi) làm nông nghiệp ở xã Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) cho hay: “Nhà tôi làm nông nghiệp, sinh con được 3 tháng thì tôi phải ra đồng. Chuyện cho con bú cũng thất thường, vì đồng thì xa mà công việc thì nhiều, nên ngay từ lúc 3 tháng đã cho cháu ăn thêm bột”. Nói rồi chị Thu phân trần: Sống ở quê tới mùa vụ mà không ra đồng là người ta nói mình lười nhác. Gia đình bố mẹ không thông cảm thì lại nói này nói nọ.
Cùng chung hoàn cảnh với chị Thu, chị Hoàng Tố Loan (ở Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Tôi vừa làm ruộng, vừa buôn bán rau cỏ lên chợ đầu mối ở Hà Nội. Sinh con xong, ở nhà nuôi con 4-5 tháng như chị em công chức thì chết đói vì không có lương, không trợ cấp. Con mới đầy tháng, tôi đã phải đi chợ từ 2 giờ sáng tới trưa mới đảo về cho bú. Cháu chưa được 6 tháng đã hết sữa, mà không hết thì cũng phải cai sữa cho cháu để đi làm kiếm tiền”.
Nói về vấn đề này, chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Mai – Viện phó Viện Dinh dưỡng cho rằng: “Phụ nữ ở quê bao giờ cũng là nhóm đối tượng thiệt thòi nhất. Ở quê, do đời sống khó khăn và những quan niệm cổ hủ nên việc bồi dưỡng cho thai nhi trước sinh cũng còn hạn chế. Sau khi sinh thì chị em phải đi làm sớm, không cho trẻ bú được thường xuyên. Cá biệt, có những gia đình còn cấm cả con cho cháu bú sữa vì sợ cháu bị đi ngoài hoặc cho rằng mẹ ốm thì bú sữa mẹ con cũng ốm theo”.
Cần lắm sự sẻ chia
Hiện nay, ở các vùng quê hầu như đều có quan niệm nuôi con là việc của phụ nữ, nhưng đồng thời lại chất lên vai phụ nữ công việc đồng áng (vì đàn ông đi làm xa), việc nhà… Vì vậy, để hỗ trợ phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, rất cần sự “thoả ước” của cả cộng đồng. Một trong số những sáng kiến được nhiều chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành tán đồng là nên thông qua các hương ước của làng xã để tăng cường hỗ trợ vật chất, kiến thức chuyên cho nhóm phụ nữ yếu thế sống tại vùng khó khăn.
Nói về vấn đề này, ông Lê Viết Lâm - Trưởng làng văn hóa Hoàng Thái (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho rằng: “Lâu nay chuyện nuôi con thế nào, cho ăn uống ra làm sao là chuyện của mỗi gia đình. Chúng tôi cũng không tiện can thiệp”.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng khẳng định, gần đây nhờ làm tốt công tác y tế thôn, đồng thời huy động được đoàn thể trong làng vào cuộc nên các gia đình cũng dần hiểu được vai trò của việc đảm bảo dinh dưỡng trong việc duy trì sức khỏe, đặc biệt là việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ nhỏ qua việc nuôi con bằng sữa mẹ. Cũng theo ông Lâm, sắp tới làng sẽ đưa vấn đề này vào tuyên truyền trực tiếp qua các buổi sinh hoạt làng văn hóa.
Đứng ở góc độ chuyên gia, bà Lê Thị Mai cho rằng: “Có thể kêu gọi địa phương chủ động như đưa nội dung, chương trình nuôi con bằng sữa mẹ vào hương ước của làng, lấy đó làm tiêu chí để xây dựng gia đình văn hoá, làng, xã văn hoá”.
Theo PGS - TS Lê Thị Hợp - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, điều tra cỡ mẫu nhỏ cho thấy, gần 30% trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Thực hành nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ sẽ giúp giảm tỷ lệ này. Các trưởng làng, trưởng họ cần phải hiểu rằng, giúp phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ là góp phần đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho cả một thế hệ tương lai của đất nước và tầm vóc người Việt.
Minh Nguyệt