Sỡ dĩ họ canh chừng nghiêm ngặt là vì ngày 24.11 vừa qua, Báo Bưu điện Bangkok có đăng tuyên bố của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra: “Thái Lan sẽ không rút quân khỏi khu vực đền Preah Vihear...”.
PV Báo NTNN ôm đàn hát cùng các anh lính Campuchia. |
Bảo vệ nghiêm ngặt
Theo truyền thống của người Khmer, trước khi du khách vào viếng đền, việc đầu tiên là phải lạy Phật trong một ngôi chùa cổ nằm bên lối vào đền. Theo người dân bản địa, việc lạy Phật và cầu nguyện là để cho chuyến viếng đền của du khách được an toàn hơn! Một vị sư trong chùa cho biết, chùa vừa mới sửa lại vì trong đợt giao tranh vừa qua đã bị đạn gây hư hỏng nhiều. Minh chứng cho việc này, nhà sư dẫn chúng tôi xem những dấu vết mà đạn, pháo đã rơi trúng chùa.
Vừa ra khỏi chùa, tôi đã bị một nhóm 3 người lính Campuchia mang súng đeo bám không rời nửa bước. Tôi tái mặt vì không biết chuyện gì xảy ra thì một người trong nhóm đeo bám nghiêm giọng: “Biết anh là phóng viên từ Việt Nam sang viết bài, nên cấp trên cử 3 người chúng tôi theo sát nhằm bảo vệ an toàn cho anh”.
Theo quan sát của chúng tôi, khắp mọi nơi ở khu vực đền đều có quân lính Campuchia canh giữ nghiêm ngặt. Hai bên lối đi vào đền còn nhiều công sự, chiến hào, súng đạn, bãi mìn... sẵn sàng cho quân lính chiến đấu, bảo vệ đền. Có những nơi quân lính đang ăn cơm ngay trước lô cốt và bên chiến hào. Tại một lô cốt, chúng tôi bắt gặp cảnh một anh lính Campuchia đang truyền dịch (nước biển) trước họng súng. Anh lính này cho biết, mình bị bệnh nhẹ nhưng đúng ca trực nên chấp nhận truyền dịch ngay tại chỗ để khỏi mất thời gian...
Trong số quân lính canh giữ đền, chúng tôi thấy một thiếu niên mặt còn “búng ra sữa” đang ngồi canh giữ ngay lối lên đền chính. Cậu bé cho biết tên mình là Hon Nên, năm nay 16 tuổi và đã 3 năm làm lính. Theo Hon Nên, bởi cha cậu cũng là lính Hoàng gia Campuchia đang canh đền nên cậu theo nghiệp cha. Hon Nên nói: “Em rất tự hào là người Khmer và càng tự hào hơn khi khoác áo lính Campuchia để bảo vệ di sản của người đi trước để lại...”.
Dấu ấn Việt Nam
Tiếp chúng tôi tại hầm chỉ huy, đại tá Koy Kêu (44 tuổi), Tư lệnh Lữ đoàn dù, chỉ huy trưởng bảo vệ khu đền cho biết: “Đền Preah Vihear là vị trí chiến lược quân sự cực kỳ quan trọng của Campuchia. Hiện tại có nhiều lực lượng quân sự Campuchia tham gia phối hợp bảo vệ đền nghiêm ngặt. Sau khi hai bên ngừng bắn vừa qua, đến nay bắt đầu có du khách nước ngoài đến viếng đền bằng đường Campuchia. Còn ngả đến từ Thái Lan hiện nay đóng cửa và cũng là khu vực cấm”.
Đại tá Koy Kêu cũng tiết lộ là ông đã từng học trường quân sự tại Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông luôn thể hiện sự tự hào về thời gian ông đã học quân sự tại Việt Nam.
Nhiều người lính Campuchia đang canh đền cho biết, vào những năm 1980 - 1982, trong chiến dịch đánh đuổi quân diệt chủng Khmer Đỏ, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã từng đóng quân ở đây để giúp nước bạn bảo vệ ngôi đền.
Chúng tôi tìm thấy được những dấu vết mà các anh bộ đội tình nguyện Việt Nam để lại bằng những dòng chữ khắc vào vách đá của đền với nhiều cảm xúc nhớ quê hương, gia đình, như: “Mẹ ơi con nhớ mẹ lắm. Mùa đông đã về bên này lạnh lắm mẹ ạ” – Hồng quê Hải Dương...
Đặc biết dấu vết rõ nhất là hình khắc chiếc cối đá (Việt Nam dùng để xay bột gạo làm bánh) trên nền đá bậc tam cấp bước vào đền. Các anh lính Campuchia cho biết, thời đó, các anh bộ đội Việt Nam có làm cối xay bột gạo làm bánh ăn, nhưng do chiến tranh nó đã bị thất lạc, giờ tìm không ra...
Thật khó tả hết cảm xúc của tôi khi đứng trên đất bạn mà nhìn thấy dấu vết của các anh bộ đội tình nguyện Việt Nam để lại... Các thành viên trong đoàn đều có chung cảm giác ấy, nỗi buồn, niềm vui chen nhau lẫn lộn...
Trước cảm xúc dâng trào ấy, các thành viên trong đoàn và cả những anh lính Campuchia mời tôi lên sân khấu dã chiến là những chiếc bao cát che chắn lô cốt ôm đàn ghita (của chúng tôi mang theo từ Việt Nam sang) hát cho các anh nghe “Bài ca Apsara” của nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác những năm 80 của thế kỷ trước. Hoà theo giai điệu ngọt ngào, nhiều anh lính khác và các thành viên trong đoàn chúng tôi cùng hòa chung điệu múa truyền thống Apsara...
-------------
Bài 3: Điểm du lịch hấp dẫn
Bùi Phụ - Ánh Dương