"Gadget", quả bom nguyên tử đầu tiên, thuộc Dự án Manhattan, đã phát nổ tại một sa mạc gần Alamogordo, New Mexico, Mỹ.
"Gadget", quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.
Giám sát dự án là Thiếu tướng Leslie Groves, Thị trưởng thành phố Los Alamos và nhà vật lý người Mỹ Robert Oppenheimer.
Chương trình được thiết kế và thử nghiệm dưới tên mã do Oppenheimer lựa chọn: "Trinity" – lấy cảm hứng từ một bài thơ của John Donne – với ngân sách ban đầu của chương trình là 6.000 USD, sau đó tăng vọt lên 2 tỷ USD sau khi nhà khoa học Einstein đưa ra nhiều quan ngại rằng Đức Quốc xã sắp hoàn thiện vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi của riêng họ.
Trước cuộc thử nghiệm, các nhân viên đã xây dựng một cột thép cao khoảng 30m để treo Gadget và 3 boong-ke quan sát để các nhà nghiên cứu dự án Manhattan theo dõi vụ nổ được an toàn. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, các boong-ke được xây dựng xung quanh cột thép khoảng 9km.
1 ngày trước khi cuộc thử nghiệm diễn ra, một nhóm nhân viên đã treo Gadget lên cột thép. Và sau đó, ở giữa sa mạc vào sáng ngày 16.7, Mỹ cho phát nổ quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.
Vụ nổ phá hủy hoàn toàn cột thép, tạo ra một cơn địa chấn lớn trên sa mạc và một đám mây hình nấm khổng lồ, cao khoảng 12km, theo Bộ Năng lượng Mỹ.
Ngay sau khi xảy ra vụ nổ, Oppenheimer được báo cáo là đã thốt lên: "Nó đã hoạt động!"
Sơ đồ vị trí thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn về quyết định thử nghiệm quả bom, Oppenheimer cho biết: "Bây giờ, tôi đã trở thành Thần chết, kẻ phá hủy thế giới".
Ngày 6.8.1945, Mỹ đã thả một quả bom nguyên tử nặng 5 tấn xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Vụ nổ ngay lập tức khiến 80.000 người thiệt mạng và san bằng thành phố trong phạm vi 6,5 km2.
3 ngày sau, Mỹ thả một quả bom nguyên tử khác xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản, khiến khoảng 40.000 người thiệt mạng ngay lập tức; hàng nghìn người khác sau đó cũng thiệt mạng vì nhiễm độc phóng xạ.
8 ngày sau, Nhật Bản chính thức đầu hàng quân Đồng minh, chấm dứt Chiến tranh Thế giới II.