Dân Việt

Nuôi cá xen ghép: Giảm chi phí, tăng thu nhập

16/12/2011 10:30 GMT+7
(Dân Việt) - Là người có thâm niên nuôi cá ở hồ lớn, anh Nguyễn Mạnh Hiền công nhận: “Thả xen ghép theo đúng tỷ lệ kỹ thuật nên tận dụng được tối đa định mức thức ăn cho từng loài cá".

Dự án “Phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống và nuôi cá hồ chứa” do Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội NDVN) và Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc đã giúp các hộ nuôi thuỷ sản giảm chi phí, tăng thu nhập với phương thức nuôi xen ghép.

Tổng diện tích của 5 hộ làm điểm là 2ha nằm trong diện tích mặt nước ao, hồ sẵn có của các hộ. Ngoài diện tích được hỗ trợ, các hộ đều phải thả cá giống đúng mật độ, định mức thức ăn, vật tư theo thông số kỹ thuật mà dự án đưa ra.

img
Thu hoạch cá dự án tại gia đình anh Nguyễn Mạnh Hiền, xã Tam Hồng.

Bổ trợ thêm kiến thức

Anh Nguyễn Văn Mến ở thôn Lâm Xuyên có 6 sào ao (0,22ha) được dự án hỗ trợ 6.600 con cá giống. Số cá giống này gồm 4 loại, trong đó cá rô phi đơn tính dòng Gif chiếm 70%, cá trắm cỏ, cá chép và cá mè mỗi loại chiếm 10%. Tất cả các loại cá giống trên đều được nhập từ Trung tâm Giống thuỷ sản cấp I Vĩnh Phúc. Trước khi thả cá, anh Mến xử lý vệ sinh ao bằng vôi bột.

Trong quá trình chăn nuôi cá, anh thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật như cho cá ăn đủ định lượng thức ăn dự án hỗ trợ, dùng thuốc khử trùng phòng bệnh.

“Sau 6 tháng nuôi, cá phát triển rất tốt, trọng lượng cá đạt cao hơn so với các năm trước đây. Nhất là cá rô phi đơn tính, đạt trọng lượng từ 0,5 - 0,8kg/con. Đã có nhiều lái cá đến đặt vấn đề thu mua, nhưng tôi chờ nghiệm thu xong dự án mới tháo nước vét cá để bán”- anh Mến cho hay.

Trong 5 hộ đủ điều kiện tham gia dự án, các anh Nguyễn Mạnh Hiền, Vũ Văn Thâu được dự án hỗ trợ với diện tích 0,5ha/hộ, cấp 15.000 con cá giống (trong đó cá rô phi đơn tính là hơn 7.800 con).

Anh Hiền chia sẻ: “Cái ao lớn phía trước nhà rộng hơn 2ha, diện tích hỗ trợ của dự án chỉ là 0,5ha nên 1,5ha còn lại bắt buộc tôi phải bỏ thêm vốn để đầu tư về con giống, thức ăn, vật tư như yêu cầu kỹ thuật. Nuôi theo kiểu bán thâm canh, nên vốn bỏ thêm ra tương đối lớn, công chăm sóc lại nhiều hơn so với nuôi quảng canh truyền thống. Nhưng bù lại, năng suất và sản lượng cá thu hoạch năm nay sẽ cao hơn mọi năm...”.

Qua theo dõi tỷ lệ sống và phát triển của cá rô phi đơn tính là 85%. Chỉ tính riêng cá rô phi đơn tính nằm trong phần hỗ trợ của dự án thì ao nuôi nhà anh Hiền, anh Thâu ước đạt sản lượng hơn 4,7 tấn/hộ. Với giá bán từ 30.000-35.000 đồng/kg, mỗi gia đình sẽ thu về không dưới 140 triệu đồng.

Nhân rộng mô hình

5 hộ được chọn tham gia Dự án “Phát triển nuôi cá truyền thống và nuôi cá hồ chứa” tại xã Tam Hồng đều là những hộ có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá, có tiếng trong vùng như hộ anh Vũ Văn Thâu, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Văn Đống. Khi áp dụng kiến thức do cán bộ phụ trách kỹ thuật của dự án hướng dẫn kèm sáng tạo của chủ hộ thì hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt.

Anh Nguyễn Văn Mến cho biết: “Trong điều kiện bình thường, nuôi được 1kg cá tốn 1,8kg thức ăn viên. Nhưng trong khu ao của nhà tôi, tôi nuôi hơn 100 vịt đẻ, trên bờ xây chuồng nuôi lợn thịt. Phế thải từ chăn nuôi giúp giảm 0,3kg thức ăn viên/kg cá thương phẩm”.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 147,8 triệu đồng. 5 hộ tham gia được hỗ trợ 100% con giống, 30% lượng thức ăn và 30% chi phí vôi bột, thuốc khử trùng...

Là người có thâm niên nuôi cá ở hồ lớn, anh Nguyễn Mạnh Hiền công nhận: “Thả xen ghép theo đúng tỷ lệ kỹ thuật nên tận dụng được tối đa định mức thức ăn cho từng loài cá. Chẳng hạn, cá rô phi ở tầng nước mặt ăn xong thì thức ăn thừa lại được cá mè, cá trắm hấp thu ở tầng nước giữa, phần còn lại rơi xuống tầng đáy đã có cá chép dọn dẹp”.

Ngoài 5 hộ được hỗ trợ, dự án còn tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi xen ghép cá cho 35 hộ khác trong xã. Nhiều hộ tuy không được dự án hỗ trợ giống, thức ăn và vật tư nuôi cá nhưng cũng đã áp dụng kiến thức kỹ thuật vào ao nuôi của gia đình và đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các năm trước. Ông Nguyễn Văn Tự - Chủ tịch Hội ND xã Tam Hồng khẳng định: “Mô hình sẽ được nhân rộng, nhất là 127 hộ có trang trại tổng hợp”.