Mặc dù mang thương tật 31%, nhưng cựu chiến binh Lê Hồng Sơn (SN 1954) ở thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú, Sóc Sơn, Hà Nội vẫn nỗ lực lao động và giờ đây đã trở thành chủ một trang trại ếch lớn nhất huyện.
Ông Sơn cho hay, trước khi đến với ếch, ông từng nuôi nuôi gà, lợn. Thấy ếch có thị trường tiêu thụ rộng lại dễ nuôi, ít rủi ro và giá trị kinh tế cao, ông đào ao rồi vào Hà Tĩnh mua 1.000 cặp ếch Thái Lan giống về nuôi.
Ngôi nhà ông Sơn xây từ tiền bán ếch. |
Ban đầu diện tích ao hẹp, hệ thống thoát nước không được tốt, nước ô nhiễm nên ếch giống chết hết. Không nản, ông tìm đến các chủ trang trại nuôi ếch lớn ở Hà Nam, Hải Dương để học hỏi và mua thêm tài liệu về nghiên cứu. Khi ông vững kiến thức cũng là lúc những chú ếch thi nhau sinh sản, lớn nhanh như thổi và số tiền lãi hàng chục triệu, rồi trăm triệu đã đến với ông.
Ông Sơn tâm sự: "Nuôi ếch cần phải hiểu được đặc tính của nó. Chuồng phải được lát gạch bóng để tránh ếch bị trầy xước. Ếch thường hay mắc chứng bệnh mù mắt, do nước ô nhiễm, hay bệnh trướng bụng do ăn phải thức ăn ôi thiu... nên phải thường xuyên thay nước, dọn sạch thức ăn thừa. Vào mùa đông cần làm hầm giữ ấm cho ếch, nhưng tuyệt đối không được dùng bóng điện, bởi sẽ làm khô da ếch khiến chúng không hô hấp được và sẽ chết. Làm tốt những khâu này thì ếch chỉ có ăn và lớn".
Sau 5 năm, từ 6 sào ao, đến nay ông Sơn phát triển thành trang trại rộng hơn 1ha, với hơn 200 lồng nuôi ếch theo quy trình khép kín. Không chỉ nuôi ếch thịt, ông còn nuôi ếch sinh sản, ếch giống. Trung bình mỗi năm ông xuất khoảng 40 vạn con giống và 6 - 8 tấn ếch thương phẩm, trừ chi phí lãi từ 350-400 triệu đồng. Năm 2010, ông xây ngôi nhà tầng khang trang, trị giá gần 1 tỷ đồng.
Những năm gần đây, trang trại của ông Sơn là địa chỉ quen thuộc cho hội viên ND đến học hỏi kinh nghiệm. Mặc dù sức khỏe không được tốt, nhưng hễ nhận được điện thoại của các hộ dân hỏi về bệnh và cách xử lý bệnh cho ếch là ông đều tư vấn rất nhiệt tình.
"Nhiều khi giữa đêm hôm, có người gọi bảo không hiểu sao ếch cứ nổi hết trên mặt nước, nếu nói qua điện thoại sợ họ làm không đúng cách đàn ếch sẽ chết, tôi lại phóng xe đến để cứu ếch. Mình thấy ếch chết không cứu thì áy náy lắm" - ông Sơn tâm sự.
Nam Tùng Sơn