Quản lý tài chính cá nhân một cách khoa học để đảm bảo số tiền bạn kiếm được sử dụng đúng mục đích. Những quy tắc chi tiêu dưới đây sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan nhất để quản lý, phân chia tiền cho hợp lý.
Phương pháp “6 cái lọ”
Một trong những quy tắc quản lý tài chính cá nhân được nhiều người thành công lựa chọn và áp dụng, trong đó có cả các triệu phú, tỷ phú thế giới, đó là JARS hay phương pháp 6 cái lọ, được giới thiệu bởi nhà diễn thuyết tài chính nổi tiếng T. Harv Eker.
Chia tiền vào 6 chiếc lọ là cách mà nhiều người thành công áp dụng khi quản lý tài chính
Cụ thể, thu nhập hàng tháng của bạn sẽ được chia thành 6 phần vào 6 cái lọ với tỷ lệ khác nhau. Dựa trên mục đích và số tiền trong từng lọ, bạn sẽ có cách chi tiêu một cách hợp lý và khoa học nhất. Đây là một quy tắc tài chính rất nổi tiếng trên thế giới, bạn có thể tham khảo và tự áp dụng để cải thiện “sức khỏe” cho hầu bao của mình.
Lọ 1: 55% cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống
Hãy dành 55% thu nhập của mình cho các khoản chi phí và hóa đơn thiết yếu hàng ngày. Tùy từng hoàn cảnh của mỗi người, nhưng hầu hết bao gồm: tiền nhà ở, hóa đơn điện nước, thực phẩm, quần áo, xăng xe… Nói chung là tất cả những gì cần thiết để bạn duy trì cuộc sống cơ bản hàng ngày.
Lọ 2: 10% cho học tập, giáo dục
Tiền trong lọ này dùng để đầu tư cho giáo dục, rèn luyện phát triển bản thân mỗi ngày. Đầu tư vào bản thân là khoản đầu tư sinh lời tốt và bền vững nhất, tri thức và hiểu biết của bạn càng lớn, cơ hội thành công của bạn càng cao, bạn sẽ hiểu rõ về thế giới và trở nên hạnh phúc hơn. Hãy dùng 10% thu nhập của mình để mua và đọc sách, tham gia các khóa học, đào tạo, diễn thuyết hay tất cả mọi thứ có thể giúp tri thức của bạn tăng tiến.
Lọ 3: 10% cho hưởng thụ
Đừng quá ki bo với bản thân, tiền trong lọ này để bạn chăm sóc sức khỏe và tinh thần của mình một cách “sang chảnh” hơn. Sau một tuần làm việc mệt mỏi, hãy tự thưởng cho bản thân bằng một chai rượu vang ngon, một bữa tối thịnh soạn, hay ngủ ở một khách sạn sang trọng trong kì nghỉ ngắn ngày. Vào ngày cuối cùng của tháng, hãy chắc rằng bạn đã tiêu hết số tiền trong lọ này. Thưởng thức một chai rượu vang 500 ngàn, bạn sẽ có động lực kiếm thêm nhiều tiền để nhâm nhi một chai rượu 1 triệu đồng.
Hãy chắc rằng bạn không chi tiêu vượt quá số tiền trong mỗi lọ
Lọ 4: 10% cho tiết kiệm dài hạn
Không cần biết bạn làm ra bao nhiêu tiền, nhưng nếu không tiết kiệm, bạn sẽ gặp rắc rối khi có một tình huống xấu bất ngờ xảy đến. Hãy dành 10% thu nhập của mình cho tiết kiệm dài hạn. Mục tiêu của lọ này là tiết kiệm tiền dành cho khi khó khăn, hãy nhớ chi phí giáo dục cho con cái sau này sẽ rất tốn kém.
Lọ 5: 5% cho sự chia sẻ, từ thiện
Mục đích của số tiền trong lọ này là cho đi và thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Bản thân bạn là quan trọng nhất, nhưng đừng quên dành một góc cho sự tốt đẹp của xã hội và thế giới. Cho đi và nhận lại những điều tuyệt vời. Đơn giản hãy dành một phần tiền để giúp đỡ người thân, bạn bè, rồi xa hơn là đóng góp vào từ thiện, chia sẻ với những người nghèo khó ngoài xã hội.
Lọ 6: 10% cho đầu tư sinh lời
Đây là chiếc lọ giúp bạn thực hiện mục tiêu tự do tài chính. Hãy dùng số tiền này để đầu tư và xây dựng các nguồn thu nhập thụ động. Hãy chắc rằng bạn không động đến khoản tiền này. Tất nhiên, bạn có thể cân đối tiền ở các lọ khác để tăng thêm cho khoản này. Thời điểm hợp lý nhất để bạn chi tiêu số tiền này là khi bạn đạt được tự do về tài chính, thậm chí sau này bạn chỉ cần dùng đến khoản lợi tức từ nó là đủ.
Phương pháp 50/30/20
Đối với quy tắc này, bạn cần chia nhỏ thu nhập của bạn thành 3 danh mục chính: 50% cho nhu cầu thiết yếu (tiền ăn, ở, đi lại, hóa đơn tiện ích), 30% cho chi tiêu cá nhân (du lịch, giải trí, mua sắm), 20% cho tương lai (tiết kiệm, đầu tư).
Áp dụng quy tắc tài chính khoa học giúp bạn chi tiêu và tiết kiệm hợp lý
Ví dụ, nếu bạn đang sống và làm việc tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM và thu nhập một tháng của bạn là 15 triệu đồng, khi sử dụng quy tắc 50/30/20, bạn không được chi tiêu quá 7,5 triệu đồng/tháng cho những nhu CẦN thiết của mình. Gỉa sử bạn phải đi thuê nhà với mức phí 4 triệu đồng/tháng, hãy chắc rằng các khoản phí khác như tiền thực phẩm, đi lại và các nhu yếu phẩm khác nằm trong mức 3,5 triệu đồng.
Trong trường hợp có một vài khoản phí phát sinh lớn bất thường so với dự kiến, bạn nên xem xét có thể giảm bất kì khoản nào trong nhu cầu cần thiết hay không, ví dụ như tìm kiếm hàng giảm giá hoặc giảm hóa đơn điện nước trong khả năng có thể. Tất nhiên, nếu bạn chi tiêu được dưới 7,5 triệu đồng cho nhu cầu thiết yếu thì càng tốt, số tiền còn lại có thể đưa vào khoản cho tương lai.
Bạn có thể chi tiêu tối đa 4,5 triệu đồng cho những thứ bạn MUỐN. Ví dụ như, đi xem phim cùng bạn bè, các bữa tối thịnh soạn ở nhà hàng, đi du lịch, tham gia khóa học nâng cao kiến thức hay mua những món đồ bạn yêu thích. Bạn cũng có thể cân đối hoặc luân chuyển khoản chi phí này với nhu cầu thiết yếu.
Bây giờ bạn còn 3 triệu đồng cuối cùng. Hãy dùng số tiền này để tiết kiệm, dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp như ốm đau, đi lại đột xuất, hoặc đầu tư sinh lời. Nếu bạn có thể cân đối từ khoản CẦN và MUỐN ở trên để tối đa hóa quỹ cho tương lai thì còn tuyệt vời hơn.
Ông lớn café hòa tan Vinacafe Biên Hòa vẫn làm ăn khá ổn định và tìm được thêm hướng đi mới.