Quy định khó hiểu
Theo văn bản vừa được VCCI gửi Bộ Tài chính, cơ quan này nhắc tới nội dung trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi: Ngân hàng phải cung cấp các thông tin khách hàng cho cơ quan thuế như: thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế.
“Quy định này là chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì”, VCCI lên tiếng.
Nếu quy định mở như trên, VCCI lo lắng, có khả năng quy định được hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.
Theo quan điểm VCCI, quan hệ giữa ngân hàng thương mại và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, các ngân hàng cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba.
“Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm ngân hàng thương mại không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế”, văn bản của VCCI nêu lên.
Thậm chí, theo VCCI, dự thảo cũng đề xuất ngân hàng phải cung cấp mã số thuế khách hàng cho cơ quan thuế. Đây là vấn đề được VCCI cho rằng “không hiểu tại sao cơ quan quản lý thuế lại yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin này trong khi đây là cơ quan chủ quản”?
VCCI lo lắng, quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế có khả năng được hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện.
Thế nào là “phiền hà, sách nhiễu”
Vấn đề khác là kiểm tra thanh tra thuế, đại diện doanh nghiệp cho rằng, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thuế trên thực tế có thời gian kéo dài (có trường hợp đến vài tháng).
Điều này gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, doanh nghiệp còn phải bố trí cán bộ, nguồn lực để cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin. Thời gian này không được tính vào thời gian thanh tra, thực tế có nhiều cuộc thanh tra phải gia hạn thời hạn nhiều lần
“Chính vì vậy, mục tiêu của sửa đổi lần này theo chúng tôi cần giải quyết được vấn đề trên, giảm tối đa các trường hợp kéo dài thời hạn thanh tra, cần đưa ra được các tiêu chí chặt chẽ để gia hạn thanh tra”, VCCI góp ý với Bộ Tài chính.
Dự thảo có điều 6 nêu về những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế bao gồm cả “gây phiền hà, sách nhiễu” với người nộp thuế. Tuy nhiên, VCCI nêu lên nghi vấn, định nghĩa này cần làm rõ để có cơ sở rõ ràng xác định các trường hợp cán bộ thuế vi phạm, từ đó có biện pháp thu thập bằng chứng về hành vi này và báo với các cơ quan có thẩm quyền.
Chưa kể, thực tế vẫn chưa rõ phương thức thông báo, người có thẩm quyền và cách thức giải quyết nếu người nộp thuế gặp trường hợp này như thế nào.
Phía VCCI cũng dẫn đề xuất trong dự thảo có nêu “nguyên tắc bản chất giao dịch quyết định hình thức” trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Ví dụ như những gì vướng mắc về hồ sơ thủ tục thì cơ quan thuế không dùng để đánh giá cái bản chất hành vi của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều cơ quan đại diện doanh nghiệp lo là trên thực tế có những doanh nghiệp chỉ sai sót hành chính lần đầu nhưng lại bị đánh giá là hành vi trốn thuế và bị áp dụng các hình thức xử lý quá nặng.
Bởi vậy, theo quan điểm VCCI, bên cạnh việc nêu tên các nguyên tắc, cần thiết phải có quy định về các nội dung cụ thể của từng nguyên tắc ngay trong Luật này.