Chúng tôi đến xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn nằm trong trong lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ đúng dịp khai giảng. Đây là xã vùng sâu vùng xa và đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ, với đa phần đồng bào là người dân tộc Dao, dân tộc Mường sinh sống.
Để đến trung tâm xã Xuân Sơn, chỉ có con đường độc đạo, khúc khuỷu, quanh co và nhiều nguy hiểm. Ảnh Bùi My
Cuộc sống khó khăn, con chữ đến với trẻ em xã Xuân Sơn càng khó khăn hơn. Thậm chí, một trong ba điểm trường của xã Xuân Sơn là bản Lạng từng bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua. Ông Hà Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho hay: “Năm học đến rồi, nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy ở đây vẫn còn ngổn ngang, thiếu thốn lắm. Muốn biết thực tế, các nhà báo cứ vào điểm trường bản Lạng sẽ rõ”.
Ngày khai giảng, nhưng ngôi trường ở xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Phú Thọ chẳng cờ hoa, cũng chẳng rộn ràng, náo nức. Ảnh Bùi My
Để vào bản Lạng, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt cùng các thầy cô phải đi bộ xuyên rừng quốc gia Xuân Sơn.
Bà Hà Thị Hiền - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn vừa dẫn phóng viên vượt rừng, vừa cho biết: "Do ảnh hưởng của cơn lũ sau bão số 3, con đường chính từ xã vào bản Lạng đã bị hư hỏng hoàn toàn, sạt lở 7 taluy dương, 1 taluy âm. Đến nay, bản Lạng vẫn bị cô lập, không điện, không đường, cơ sở vật chất bị thiệt hại nặng nề. Bởi vậy, con đường xuyên rừng đang đi là con đường duy nhất để người dân ra vào bản, cũng như để thầy cô giáo tiếp cận điểm trường, chuẩn bị cho năm học mới."
Từ UBND xã Xuân Sơn, PV và các thầy cô băng rừng vào điểm trường bản Lạng, một trong 3 điểm trường của xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh Bùi My
Nắng lên, con đường độc đạo vào bản Lạng không có vắt, nhưng vẫn nguy hiểm khi phải vượt qua những quãng đường rừng trơn trượt, lội suối, những đoạn dốc quanh co. Sau khi vượt nhiều km đường xuyên rừng Quốc gia Xuân Sơn, phóng viên cùng các thầy cô giáo cuối cùng cũng thấy bản Lạng với những ngôi nhà sàn lúp xúp nằm im lìm giữa thung lũng.
Có mặt tại điểm trường bản Lạng, đoàn phóng viên không khỏi thấy chạnh lòng khi chỉ thấy cảnh tiêu điều, heo hút, chẳng có lấy một chút không khí rạo rực ngày khai giảng. Theo cô Bàn Thị Quan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Sơn, tất cả vật dụng từ chăn màn, bàn ghế, đồ chơi đến thiết bị dạy học đều bị cuốn theo dòng nước hoặc hư hỏng. Lớp học cũng loang lổ, rêu mốc vì ngâm trong nước lũ.
Đây là số đồ chơi còn sót lại được các cô giáo mầm non vệ sinh và để các em học sinh sử dụng tạm thời. Ảnh Bùi My
Các em chính thức đến trường cho năm học mới, thế nhưng trong lớp chẳng có gì ngoài một rổ đồ chơi và mấy bức tranh được các cô giáo cắt ghép dán lên tường. Ảnh Bùi My
Ông Chử Ý Yên - Hiệu trưởng trường TH-THCS Xuân Sơn giãi bày cùng đoàn phóng viên: "Khi đến Xuân Sơn, cái điều đầu tiên khó là đường. Nhưng tôi nghĩ con đường cũng chỉ là khoảng cách, cái khó khăn chính là lòng người. Tôi luôn thổi hồn với các thầy cô giáo, khó khăn chỉ là lòng người, cốt là chúng ta có tâm."
Từ bản Lạng trở về điểm trường trung tâm của trường TH-THCS Xuân Sơn (cạnh UBND xã Xuân Sơn), cơ sở vật chất tuy khang trang hơn, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của những tấm lòng hào tâm để các em học sinh có thể đến trường học tập
Nhà điều hành của Ban giám hiệu trường TH -THCS Xuân Sơn vẫn mang dáng dấp nhà sàn tạm bợ. Ảnh Bùi My
Chiếc trống trường cũng nằm siêu vẹo, chỏng chơ. Ảnh Bùi My
Trường TH – THCS Xuân Sơn thành lập năm 1997. Hiện nay, tổng số học sinh là 187 em với chủ yếu là dân tộc Dao (87 học sinh) và dân tộc Mường (106 học sinh). Riêng tại điểm trường bản Lạng có 29 học sinh tiểu học và 12 học sinh THCS. Trong đó có 81 học sinh thuộc diện hộ nghèo. Trường Mầm non Xuân Sơn được thành lập năm 2000. Hiện nay, tổng số học sinh là 104 em và cũng với chủ yếu là dân tộc Dao (57 học sinh) và dân tộc Mường (46 học sinh).Riêng tại điểm trường bản Lạng có 14 học sinh (12 nam, 2 nữ).