Clip - Hành trình về vùng khó bản Lạng.
Bản Lạng nằm trong vùng lõi vườn Quốc gia Xuân Sơn có 81 hộ dân là người dân tộc Dao với điều kiện kinh tế khó khăn.
Theo ông Nhẫn, xã Xuân Sơn cách TP.Việt Trì chỉ 70km, nhưng đường đi khá khó khăn, gian nan và mất nhiều thời gian do vẫn còn tàn dư của cơn bão số 3 để lại. Đây được xem là nơi khó khăn bậc nhất của tỉnh Phú Thọ, với đa phần là người dân tộc Dao, dân tộc Mường sinh sống, làm ruộng đồng đơn thuần với thu nhập ít ỏi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 30% dân số.
Do được dặn trước, chúng tôi chuẩn bị sẵn chiếc xe gầm cao, chuyên dụng, cùng với người tường tận ngóc ngách dẫn đường, nhưng từ TP.Việt Trì cũng phải mất gần 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có mặt tại trung tâm xã Xuân Sơn.
Hiện nay, để đi vào bản Lạng, mọi người buộc phải đi bộ, băng qua đồi núi với đá hộc, bùn đất trơn trượt.
“Khai giảng năm nay, trường mầm non cùng với trường tiểu học và trung học cơ sở cùng nhau tổ chức chung ở trung tâm. Do đường sá đi lại khó khăn, nhìn các lớp thấy thiếu nhiều học sinh, tôi không thể kìm được nước mắt vì tủi, vì thương các em học sinh ở đây”, cô Bàn Thị Quan, Hiệu trưởng Trường mầm non Xuân Sơn, mắt đỏ hoe chia sẻ. |
Vừa gặp chúng tôi, ông Hà Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn không giấu được sự xúc động: “Năm học đến rồi, nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy ở đây vẫn còn ngổn ngang, thiếu thốn lắm. Muốn biết thực tế, các nhà báo cứ vào điểm trường bản Lạng sẽ rõ”.
Như để chứng minh cho những khó khăn, vất vả trong việc giảng dạy cũng như những thiếu thốn về vật chất ở đây, cô Quan đã gọi thêm thầy Chử Ý Yên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở đưa chúng tôi vào điểm trường bản Lạng.
Điểm trường ở bản Lạng gồm dãy nhà cấp 4 với 8 phòng học dành cho 15 cháu học sinh mầm non và hơn 40 cháu học sinh tiểu học.
Để vào bản Lạng, từ trung tâm xã, chúng tôi đi xe máy đến sát chân núi, để xe tại đó rồi đi bộ. Len lỏi theo con đường rừng, qua hết ngọn núi này, đến ngọn núi kia với dốc cao dựng đứng, trơn trượt với đá hộc và bùn đất. Mất khoảng 40 phút, chúng tôi mới nhìn thấy bản Lạng dần hiện ra dưới thung lũng.
Đập vào mắt chúng tôi, bản Lạng với những ngôi nhà sàn, nhà cấp bốn lúp xúp, ẩn hiện bên các sườn đồi cheo veo, được bao quanh bởi những ngọn núi cao sừng sững. Cái nghèo đói hiển hiện rõ nét.
“May cho các nhà báo hôm nay là trời nắng, dễ đi. Chứ đi vào trời mưa thì xác định trượt ngã, lấm lem hết cả người. Nhưng vì tình yêu con chữ, vì thương các con, các thầy cô giáo ở đây ngày nào cũng phải vào ra 2 - 3 lần nhưng cũng không ai thấy mệt, thấy khổ”, cô Bàn Thị Quan giọng nghẹn đắng.
“Bản Lạng hiện nay chẳng khác gì như một “ốc đảo” khi không đường, không điện. Đặc biệt, tàn dư của cơn bão số 3, dù đã đi qua gần 2 tháng nhưng vẫn còn nguyên thiệt hại hiển hiện”, thầy Chử Ý Yên chia sẻ.
Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho điểm trường ở bản Lạng khi tất cả các đồ dùng phục vụ cho giảng dạy bị nước cuốn trôi hoặc hư hỏng không thể sử dụng được nữa.
Cũng theo thầy Yên, ngày 21.7 vừa qua, cơn bão số 3 bất ngờ ập đến, nước từ đâu kéo đến, đổ ụp lên bản Lạng vốn đã nghèo sơ xác. Do cơn nước kéo đến nhanh, bà con chỉ kịp hò nhau chạy tán loạn lên rừng lánh nạn. Điểm trường bản Lạng nước dâng gần đến nóc nhà, mọi vật dụng từ chăn màn, bàn ghế, đồ chơi, thiết bị dạy học đều bị cuốn theo dòng nước hoặc hỏng hóc, chẳng thể dùng được. Vào năm học mới, may mắn nhà trường được một số đơn vị tài trợ cho mấy bộ bàn ghế, kê lên để các em ngồi lên học tạm.
Có mặt tại điểm trường bản Lạng, đoàn chúng tôi ai nấy đều không khỏi chạnh lòng khi thấy cảnh hoang sơ, tiêu điều. Đó là một dãy nhà cấp 4 với 8 phòng học dành cho mầm non và tiểu học. Bên ngoài, tường bị rêu mốc, loang lổ, xuống cấp vì bị ngập nước trước đó. Bên trong phòng, ngoài mấy bộ bàn ghế chơ vơ thì vật dụng không có nấy một thứ gì phục vụ cho giảng dạy, ngoài mấy bức tranh và ít hình được các thầy cô cắt ghép dán lên tường.
Các thầy cô giáo ở điểm trường bản Lạng có mặt trước ngày khai giảng cả tuần để dọn dẹp trường, cũng như mua giấy bút về vẽ tranh, cắt dán lên tường để phục vụ việc dạy học.
“Lũ đến trước ngày khai giảng, mọi vật dụng đều bị trôi hết và hỏng hóc không thể dùng được. Để chuẩn bị cho năm học mới, trường đã phải huy động các thầy cô giáo đến điểm trường trước cả tuần để dọn dẹp, làm sạch phòng để đón các em đến lớp. Vì trang thiết bị giảng dạy không có, muốn làm cho lớp đẹp, cộng với có hình minh họa cho các em học sinh, chúng em đã nghĩ ra cách đi mua giấy bút, giấy màu, xốp về để vẽ và cắt dán tạo hình cho phong phú”, cô Đỗ Thị Sen, giáo viên tại điểm trường bản Lạng chia sẻ.
Theo thông tin phóng viên Dân Việt có được, hiện tại điểm trường bản Lạng có 15 cháu học sinh mầm non và hơn 40 cháu học sinh tiểu học. Các em đều là người dân tộc Dao ở bản Lạng nghèo khó. Việc đến trường với các em ngoài như cầu biết con chữ còn là cả một sự cố gắng, quyết tâm của các thầy cô giáo khi không quản khó khăn bám trường, đến động viên và làm tốt “công tác tư tưởng” với người dân.
“Trường đã cơ bản kiên cố, tuy nhiên, để theo học được, các em nơi đây rất cần được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong việc tài trợ tiền, cũng như các vật dụng phục vụ cho học tập, vui chơi. Có như vậy, việc học tập của các em mới đạt được hiệu quả và không bị “đứt gánh” giữa đường”, ông Yên trăn trở.