Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai, ảnh Quochoi.vn).
Sỹ quan Quân đội, Công an phải kê khai tài sản
Hôm nay (6.9), Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban TVQH, về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập: Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo Luật; ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân.
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Giải trình về vấn đề này, Ủy ban TVQH cho rằng, một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân quy định chưa thật sự hợp lý của Luật PCTN hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo Luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp. Theo đó, người giữ chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...
Ủy ban TVQH cho rằng tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu PCTN trong tình hình hiện nay. Đồng thời, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân.
Luật chưa xoáy vào "tảng băng chìm"
Phát biểu góp ý, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, qua nhiều năm, năm nào cũng kê khai tài sản nhưng không giải quyết được vấn đề trong đấu tranh PCTN. Theo ĐB Vượt nếu quy định phạm vi người thân kê khai tài sản như dự thảo Luật là chưa thực sự xoáy vào tảng băng chìm, hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng.
Ông cho biết, ở nhiều tỉnh thành, nhân dân, cán bộ đều biết, bố mẹ ông bà sau một thời gian bỗng dưng sở hữu nhiều dự án, nhiều tài sản chục tỷ, biệt phủ, xe sang, nhiều “cậu ấm, cô chiêu”, dù rất trẻ vẫn có tài sản “khủng”, bất chấp dư luận.
Ông nói thêm, qua các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản tham nhũng được tẩu tán cho bố, mẹ người thân đứng tên như vụ Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh… “Theo ý kiến của nhân dân, cha mẹ ông bà, vợ, chồng, con cái ruột của người phải kê khai cũng phải kê khai tài sản. Nếu lo ngại quyền này quyền kia của công dân, rồi cho rằng đủ tuổi thành niên tự chịu trách nhiệm, hay luật này, luật kia đã quy định rồi thì không đánh vào gốc rễ tham nhũng được”, ĐB Vượt nói.