Dân Việt

Chăm lo và hỗ trợ để người dân chủ động góp sức xây dựng NTM

Lệnh Thắng 07/09/2018 16:45 GMT+7
Sau 8 năm triển khai, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số bất cập, đặc biệt là tại các xã, thôn bản khó khăn. Từ phong trào Làng mới của Hàn Quốc, chúng ta rút ra được nhiều kinh nghiệm khắc phục các bất cập này.

Xây dựng nông thôn mới kiểu Hàn Quốc

Từ năm 1971, Hàn Quốc bắt tay vào phát triển nông thôn từ phong trào Saemaul Undong (xây dựng làng NTM của Hàn Quốc), trong đó tập trung các chương trình khởi động tinh thần Saemaul và thực hiện các dự án cải thiện môi trường cơ bản. Qua đó, phong trào đã hình thành nền tảng hợp tác và tự lực cho người dân xây dựng NTM, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

img

 Một trong những mô hình sản xuất liên kết tại xóm Tổ, xã Phượng Tiến, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: l.T

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, Chính phủ đề nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; đồng thời giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng chủ trương, đề xuất tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2030. Từ đó đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua việc sáp nhập một số Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng NTM và thực hiện từ năm 2021; đồng thời xem xét ban hành cơ chế, chính sách mới cho Chương trình NTM thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 phù hợp với từng nhóm địa phương.

Tại Việt Nam, Quỹ Toàn cầu hoá Saemaul bắt đầu triển khai dự án toàn cầu hoá Saemaul từ năm 2005. Đến nay, 8 làng thí điểm theo mô hình Saemaul đã được xây dựng tại 5 tỉnh: Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế, Hậu Giang. Thái Nguyên có 2 xóm đã được tiếp nhận dự án xây dựng làng thí điểm NTM là: Xóm Tổ, xã Phượng Tiến, huyện Định Hoá và xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương.

Theo PGS - TS Ngô Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới trong xây dựng NTM đều là đặt mục tiêu "nâng cao nhận thức và vai trò chủ thể của người dân". Kinh nghiệm từ Chương trình Saemaul Hàn Quốc cho thấy, họ trực tiếp bầu ra một lãnh tụ cộng đồng và người này sẽ triển khai những công việc thay cán bộ.

Điểm nhấn trong phong trào Làng mới tại Hàn Quốc là chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền để người dân tham gia một cách tự nguyện, thúc đẩy tinh thần cộng đồng, chủ động của người dân; nâng cao vai trò và hoạt động của các cấp lãnh đạo từ T.Ư đến địa phương; xây dựng hệ thống hợp tác công tư chặt chẽ. Cùng với đó, cụ thể hoá tiêu chuẩn đánh giá bằng cách phân chia cấp độ làng xã, đồng thời nâng cấp thông qua việc đánh giá minh bạch. Tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo lực lượng lãnh đạo ở cấp xã, thôn bản về phong trào Seamaul Undong; tiếp tục nhân rộng mô hình này tại thôn bản ở các vùng khó khăn;…

Khen thưởng xã có nỗ lực cao

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng điều phối NTM T.Ư cho biết: "Trong 8 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chương trình, một số tỉnh đã chủ động ban hành tiêu chí xây dựng NTM các cấp thôn bản, trực tiếp nâng cao ý thức và vai trò người dân, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền”.

Cụ thể, Thanh Hóa và Nghệ An đã thành công trong xây dựng đề án theo hướng tập trung 3 nội dung: Phát huy tiêu chí cộng đồng gắn kết người dân và xây dựng NTM; hoàn thiện tiêu chí cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho người dân; tạo lập nhiều mô hình sản xuất liên kết với 3 nội dung trọng tâm nâng cao năng lực người dân và cộng đồng. Trong thời gian tới, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn quốc.

Ông Tiến cũng cho biết, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM và đô thị văn minh”. Có cơ chế khen thưởng đối với các xã đặc biệt khó khăn, có nỗ lực cao (tăng thêm 10 tiêu chí/xã trong 5 năm) và khen thưởng xã đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu xã NTM kiểu mẫu.

Rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, nhất là đối với các vùng đặc thù, xã khó khăn. Sửa đổi, bổ sung tiêu chí cho phù hợp với các xã khó khăn (áp dụng tiêu chí linh hoạt), đặc biệt là phân cấp rõ trách nhiệm của từng cấp (NTM cấp huyện, cấp xã và cấp thôn, người dân/cộng đồng), ưu tiên nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ T.Ư đến địa phương, nhất là cán bộ cơ sở.