Sáng nay (7.9), trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Minh Hòa - Phó G.Đ Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng cho hay, Sở đang hoàn tất văn bản gửi lãnh đạo UBND thành phố, đồng thời gửi các nhà máy thủy điện về việc đề nghị những nhà máy này sớm xả nước lớn hơn so với bình thường về hạ du để khẩn cấp giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong nhiều ngày nay của hàng ngàn người dân TP.Đà Nẵng.
Theo ông Hòa, các nhà máy thủy điện gồm A Vương, Đăkmi4 và Sông Bung 4 cần quan tâm và phải có trách nhiệm xả lưu lượng nước lớn hơn bình thường để nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) có đủ lượng nước thô để xử lý cấp nước cho người dân. "Ngoài việc gửi các thủy điện, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị lãnh đạo thành phố gửi văn bản ra các Bộ ngành ở Trung ương để có sự chỉ đạo. Trước mắt, 3 nhà máy thủy điện nêu trên cần xả lưu lượng lớn hơn bình thường trong thời điểm khô kiệt và có sự phối hợp vận hành để đảm bảo nước xả về đủ lớn", ông Hòa cho biết.
Nhà máy nước Cầu Đỏ đang thiếu nước trầm trọng.
Theo Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), từ ngày 31.8 đến nay, nguồn nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, độ mặn thường xuyên dao động ở mức 260 – 2.000 mg/l. Độ mặn cao nhất là 2.019 mg/l vào lúc 09h00 ngày 5.9.2018 (tiêu chuẩn nước sinh hoạt là 250 mg/l).
Để đảm bảo nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, Sân Bay, Dawaco phải kết hợp việc lấy nước tại cửa thu Cầu Đỏ và bơm nước thô từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch. Tuy nhiên, công suất của trạm bơm phòng mặn An Trạch chỉ đáp ứng được 70% công suất cấp nước hiện nay dẫn đến tình trạng không đủ lượng nước thô để xử lý. Do đó lượng nước sạch cấp vào mạng lưới giảm 50.000÷70.000 m3/ngày dẫn đến khu vực cuối nguồn quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu nước rất yếu.
Đơn vị này cho hay, hiện tại, Dawaco vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch công suất thiết kế 240.000m3/ngày thì khả năng đáp ứng nước thô để xử lý trong điều kiện chiều cao mực nước tại đập An Trạch tối thiểu +2.0m, nếu mực nước thấp hơn 2.0m khả năng cấp nước sẽ giảm xuống, mực nước thấp đến cao trình +1.4m trạm bơm An Trạch phải ngưng hoạt động. Do đó tất cả nhà máy nước Cầu đỏ, Sân Bay ngưng hoạt động dẫn đến tình trạng tại một số thời điểm có xảy ra thiếu nước cục bộ tại một số khu vực trong thành phố.
Số liệu quan trắc những ngày qua mực nước tại Trạm bơm An trạch nhiều thời điểm mực nước xuống mức còn 0.8m, cụ thể như ngày 2.9 là 1,2 m-1,9m, ngày 3.9 là 0,8m-1,2m, ngày 4.9 là 0,8-1,9m, những lúc mực nước dưới 1,4m Trạm bơm An Trạch dừng hoạt động và Nhà máy nước Cầu Đỏ sẽ không có đủ nước thô để sản xuất.
Vì thế việc vận hành luôn phải cầm chừng.
Theo Dawaco, trong khoảng thời gian này, theo kết quả quan trắc tại Ái Nghĩa, mực nước chỉ ở 2,52m, thấp hơn mực nước trung bình 3,51m so với cùng kỳ nhiều năm nên khả năng nhiễm mặn sẽ kéo dài.
Ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Dawaco cho hay, đơn vị đã gửi văn bản báo cáo và đề nghị lãnh đạo thành phố sớm có giải pháp kiến nghị với các đơn vị thủy điện đầu nguồn hệ thông sông Vu Gia phải xả nước lớn hơn để Nhà máy nước Cầu Đỏ có nguồn nước thô. "Thông thường đến cuối tháng 8 hằng năm là mưa bắt đầu lớn, nước thủy điện xả về. Tuy nhiên năm nay đã hơn 1 tuần nhưng tình trạng khô hạn vẫn kéo dài. Vì vậy các nhà máy thủy điện phải căn cứ vào thực tế để phối hợp vận hành xả nước", ông Hương cho biết.
Việc nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ vẫn chỉ là giải pháp tạm thời.
Mặc dù vậy, ông Hồ Hương cho hay, tất cả những giải pháp trên chỉ là tạm thời và cần có một đầu tư lâu dài để hàng ngàn người dân Đà Nẵng yên tâm về nước sinh hoạt trong tương lai. Theo Dawaco, đầu năm 2018, đơn vị đã tiến hành khởi công xây dựng các Dự án “Nâng công suất NM nước Cầu Đỏ phân kỳ 1 thêm 60.000 m3/ngày’’ và dự án đầu tư mới “Nhà máy nước Hồ Hòa Trung công suất 10.000m3/ngày” tại Khu công nghệ cao (Hòa Vang), dự kiến 2 dự án trên sẽ đưa vào hoạt động trong Quý 2/2019. Như vậy, với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng cho 2 dự án trên sẽ góp phần nâng công suất thiết kế của Nhà máy nước Cầu Đỏ lên 230.000 m3/ngày, nâng tổng công suất của các nhà máy nước hiện có phục vụ cho toàn thành phố theo thiết kế chỉ mới đạt 285.000 m3/ngày tính đến quý 2/2019.
"Cần sớm khởi động nhà máy nước Hòa Liên với công suất 120.000 m3/ngày thì mới đảm bảo nguồn nước sạch cho thành phố, cũng như đảm bảo cấp nước an toàn cho các năm tiếp theo", ông Hương khẳng định