Rừng đang là tấm "lá chắn xanh" bảo vệ đê, bảo vệ mùa màng và giúp cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo nhờ thu nguồn lợi thủy sản từ rừng… Là huyện ven biển, có tới 54km để biển, trong đó có 24km trực diện chịu tác động của thủy triều, sóng, bão… nên trước đây năm nào Tiền Hải cũng xảy ra vài vụ vỡ đê. Nước mặn ngập vào đồng ruộng, nên thường xuyên mất mùa, còn đầm ao thì tràn, vỡ nên nhiều gia đình đang giàu có, bỗng trắng tay chỉ vì vỡ đê.
Rừng đang là "lá chắn xanh" bảo vệ đê biển ở Tiền Hải. |
Mỗi năm trồng 60ha rừng
Nhận thấy việc trồng RNM là hết sức cần thiết, đồng thời được hỗ trợ của tổ chức Chữ thập đỏ Đan Mạch, Tiền Hải đã phát động phong trào toàn dân tham gia trồng RNM và tiến hành giao đất, giao rừng để các hộ dân trồng rừng, bảo vệ rừng.
Ông Trần Minh Tiến - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiền Hải cho biết, huyện đã tổ chức bình bầu để chọn các hộ nhận trồng và bảo vệ rừng, sau đó tập huấn kỹ thuật trồng cho các hộ và chọn các giống cây phù hợp, nên tỷ lệ cây sống rất cao. Hiện ở Tiền Hải bên cạnh những cánh RNM mới trồng, là những cánh rừng cao từ 1 - 3m, với các loại sú, vẹt, trang, bần, phi lao… Trong đó Nam Thịnh, Nam Hưng và Đông Minh là xã có diện tích RNM lớn nhất.
"Hiện hơn 80% các bãi triều đã được phủ xanh rừng. Mỗi năm chúng tôi trồng mới hơn 60ha rừng, hiện Tiền Hải đang xây dựng Cồn Vành và Cồn Thổ thành khu du lịch sinh thái. Bởi ngoài rừng, cảnh quan rất đẹp, thì hệ động, thực vật ở đây rất phong phú với 180 loài cây và 150 loài chim, trong đó nhiều loại sách đỏ như cò mỏ thìa, bồ nông đầu nâu, choi choi mỏ thìa…
Chúng tôi ưu tiên hỗ trợ cây giống, 380.000 đồng/năm/ha cho những hộ trồng rừng ở hai cồn này và được sử dụng 25% giá trị của rừng khi khai thác tỉa, đồng thời được hưởng 100% giá trị nguồn lợi thủy sản do trồng rừng đem lại" - ông Tiến cho biết thêm.
Rừng xanh cho tôm, cá
Theo ông Trần Xuân Định - Trưởng Ban quản lý dự án trồng rừng Thái Bình, thì RNM không chỉ giúp chắn sóng bảo vệ đê điều, giúp cân bằng sinh quyển và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, mà còn tích tụ phù sa, khoáng chất và là nơi trú ngụ cho nhiều loài hải sản. Chính vì vậy việc trồng rừng kết hợp với nuôi trồng thủy hải sản là hướng đi đúng và rất bền vững.
Năm 2004, anh Nguyễn Văn Hòa ở thị trấn Tiền Hải nhận 20ha bãi ở Cồn Thổ để trồng rừng, đến nay khu bãi của anh đã được phủ xanh rừng sú, vẹt, phi lao. Ngoài được tận dụng nguồn gỗ, củi khi tỉa, anh còn được sử dụng toàn bộ diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản.
Anh Hòa phấn khởi nói: "Ngày đó thấy tôi nhận bãi ở Cồn Thổ để trồng rừng, nhiều người cười bảo "dã tràng xe cát". Khi thấy tôi thu lợi từ tôm, ngao… họ mới đua nhau ra Cồn Thổ. Cũng may, chứ cứ ở trong bờ làm nông chẳng biết có làm được cái nhà để ở không. Vài năm gần đây giá tôm, cua, ngao tăng nên mỗi năm tôi bỏ túi khoảng 400 triệu đồng".
Việt Tùng