TS Nguyễn Tùng Lâm-Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)
Trong bộ tiêu chuẩn quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông có tiêu chuẩn thứ 5 về ngoại ngữ và công nghệ thông tin hiện đang gặp nhiều ý kiến phản đối từ phía các GV và chuyên gia giáo dục. Cụ thể để đạt mức xếp loại tốt, các GV phải có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh).
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm-Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với thời đại. “GV phổ thông sử dụng được tiếng Anh thì quá tốt để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và cũng sẽ khơi gợi được phong trào học ngoại ngữ cho học sinh. Tuy nhiên, giữa cái mong muốn và việc để đưa được tiêu chuẩn này vào thực tế là điều rất khó khăn và cần có một lộ trình lâu dài”.
“Thực tế hiện nay, việc chưa thể chuẩn hóa được việc dạy và học tiếng Anh trong trường đại học, cao đẳng thì làm sao có thể yêu cầu chuẩn hóa tiếng Anh trong môi trường giáo dục phổ thông. Cái gốc của chúng ta chưa có, thì không thể ngay lập tức yêu cầu cái ngọn phải xanh tươi được.
Tôi kiến nghị cần phải có một lộ trình, thời gian và điều kiện cụ thể để GV hoàn thiện. Trước mắt là cần phải chuẩn hóa các GV dạy tiếng Anh cái đã, rồi dần dần sẽ tới các GV bộ môn khác” - ông Lâm cho hay.
Đột xuất áp dụng cho giáo viên tiêu chuẩn thì khó như “leo cột mỡ”. Ảnh: I.T
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định rằng cần phải xem lại tiêu chuẩn này áp dụng cho đối tượng nào, nếu đột xuất áp dụng cho GV giáo dục phổ thông thì khó như “leo cột mỡ” vậy. Ví dụ như áp dụng cho đối tượng là giáo viên đang công tác lâu năm rồi thì rất khó để thực hiện. “Muốn đưa vào thực tế thì phải có những đột phá, ví dụ như sinh viên sư phạm trước khi ra trường cần phải vượt qua được một ngưỡng ngoại ngữ nào đó và đặc biệt phải đảm bảo là ngưỡng này đúng chuẩn, học thật, thi thật. Ngoài ra có thể yêu cầu thêm ngoại ngữ đầu vào sư phạm, có vậy thì tiêu chuẩn về ngoại ngữ trong giáo viên phổ thông mới đi được vào thực tiễn. Đây là một quá trình vô cùng gian khổ chứ không hề đơn giản” – ông Nhĩ chia sẻ.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, có nhiều cách nâng cao chất lượng GV chứ không phải chỉ áp dụng các tiêu chuẩn cứng nhắc trên. Theo ông, điều quan trọng là làm từ gốc, tức là cần siết chặt đầu vào các trường sư phạm; tổ chức dạy, học, kiểm tra đánh giá nghiêm túc để đào tạo, cho ra trường những GV thật sự có chất lượng. Thay đổi cách thi tuyển công chức GV sao cho thực chất, công bằng, hiệu quả.
Ông Lâm cũng nhấn mạnh để khuyến khích GV tự hoàn thiện mình thì đi kèm chuẩn mới cần có chế độ lương, thưởng tương xứng với các mức độ khác nhau theo bảng đánh giá GV. "Nếu Bộ GDĐT ban hành các loại chuẩn cho GV, trong khi lương thì không đạt chuẩn để lo đủ cho đời sống của họ thì thật vô lý".
“Dĩ nhiên việc chuẩn hóa GV là yêu cầu thiết thực, tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận lại thực tế rằng lương GV hiện nay đa phần còn chưa đủ sống. Nhất là những người có gia đình và trên 30 tuổi, việc tự hoàn thiện năng lực trong khi còn phải lo cơm áo, gạo tiền là điều không dễ. Vì vậy cần phải có những chính sách để “chuẩn” về mặt đời sống của GV trước đã” – PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cùng chung quan điểm.