Không chủ quan với sốt xuất huyết
Theo bà Đặng Thị Ánh Duyên – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La, mưa và ngập úng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh cho con người, trong đó phải kể đến các bệnh như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, các bệnh về da (nước ăn chân, viêm da, ghẻ), đau mắt đỏ… Trong khi đó, đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, các kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu của người dân còn hạn chế.
Ngành y tế phối hợp với người dân dọn dẹp môi trường sau mưa lũ. Ảnh: Văn Chiến
Mùa tựu trường, đồng thời khí hậu đang chuyển mùa, là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng, sởi, cúm phát triển… Do đó, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các ban ngành phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do virust Rota, sốt xuất huyết,... và các dịch bệnh khác mùa hè - thu trên địa bàn. |
“Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch dự trù kinh phí phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, chuẩn bị đầy đủ khu vực điều trị, giường bệnh, thuốc, hóa chất, thiết bị vật tư phòng chống thiên tai, thảm họa do lũ lụt gây ra” – bà Duyên cho biết thêm.
Cũng theo bà Duyên, sau mưa lũ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường các đội vệ sinh phòng dịch xuống các điểm bị ngập lụt phối hợp với Trung tâm Y tế các địa phương – nơi xảy ra lũ quét tiến hành phun thuốc khử trùng, kiểm tra nguồn nước sinh hoạt, vận động người dân vệ sinh làng bản, khu dân cư.
Ông Sa Văn Khuyên – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh rất chú trọng đến công tác phòng chống.
“Vào mùa mưa lũ, môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau mưa bão, bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát triển mạnh, điển hình là bệnh sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Do đó, chúng tôi liên tục phối hợp với các ngành như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, sát sao tới từng nhà để khuyến cáo các hộ dân dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù đọng, diệt bọ gậy, giữ gìn vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng” – ông Khuyên cho hay.
Chủ động phòng dịch
Ông Khuyên nói thêm, thời gian gần đây, Sơn La là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Mưa lũ không những gây thiệt hại về người và tài sản mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Từ đầu mùa mưa đến nay, nhiều địa bàn trong tỉnh xảy ra lũ lụt, ngập úng cục bộ.
“Tại vùng lũ, nhà cửa, các công trình giao thông công cộng, các công trình cấp nước bị phá hủy nghiêm trọng, các dịch vụ vệ sinh không đáp ứng được nhu cầu, người dân phải đối diện nguồn nước bị nhiễm bẩn, môi trường sống bị ô nhiễm bởi vô số các vi sinh vật, bụi bẩn, rác thải, xác động vật, thực vật… cuốn theo dòng nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh” – ông Khuyên nhấn mạnh.
Còn nhớ, sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra ở huyện Mường La hồi tháng 8.2017, rốn lũ Nậm Păm (Mường La) tan hoang, rác thải ngập ngụa. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bị viêm da do phải dầm mưa, lội nước, nhiều người dân mắc bệnh tiêu chảy. Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Mường La đã có mặt kịp thời thăm khám, cấp phát thuốc điều trị nên các bệnh viêm da, tiêu chảy nhanh chóng được xử lý, không bùng phát thành dịch. Cùng với đó, lực lượng cán bộ y tế dự phòng cũng khẩn trương vào cuộc, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột xử lý, không để mầm bệnh phát sinh...
Do đó, năm 2018, để phòng chống có hiệu quả dịch bệnh xảy ra, ngay từ đầu mùa mưa lũ, Sở Y tế tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống bão lũ. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động dự phòng vật tư, thuốc men để phòng chống dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân mùa mưa lũ có hiệu quả, ngoài sự chuẩn bị chu đáo, chủ động của ngành y tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường trong sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn nguồn nước.