Như Dân Việt đã thông tin, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Kiều Đại Dũ (22 tuổi, quê Bình Định, tạm trú huyện Hóc Môn) để điều tra về hành vi môi giới mại dâm.
(Ảnh minh họa. Nguồn: IT)
Theo điều tra ban đầu, Dũ điều hành đường dây mại dâm có nhiều “chân dài” là hot girl, người mẫu, diễn viên, Á hậu, MC sẵn sàng đi bán dâm cho khách với giá từ vài trăm đến hàng chục ngàn đô.
Sau nhiều tháng điều tra, theo dõi, chiều 30.8, trinh sát ập vào khách sạn ở quận 1 và quận 5 bắt quả tang 4 đôi nam nữ đang mua bán dâm. Trong đó, có hai cô gái là á hậu T.D. bán dâm với giá 7.000 USD, còn MC kiêm diễn viên C.V, “đi khách” với giá 1.500 USD.
Sau khi sự việc này diễn ra, hình ảnh những Á hậu, MC này xuất hiện tràn lan trên các diễn đàn mạng, khiến nhiều người thắc mắc, liệu với hành vi chỉ bị phạt hành chính thì việc tung hình ảnh họ lên mạng có phạm luật?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc mua, bán, chứa mại dâm của các đối tượng trên đã vi phạm các quy định tại Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH 11 về phòng, chống mại dâm và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 22, Điều 23, Điều 24 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trong trường hợp những đối tượng này đang bị HIV mà cố tình lây truyền HIV cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 148 BLHS 2015 với hình phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
Đối với người có hành vi cung cấp địa điểm cho hoạt động mua dâm, bán dâm bị phạt tù từ 1 năm đến chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo Điều 327 BLHS 2015.
Còn theo các quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP hay BLHS 2015, không có quy định nào về việc cho phép công khai thông tin, danh tính của người những người vi phạm mà chỉ ghi nhận các hình phạt bao gồm: phạt tiền và phạt tù có thời hạn hoặc thông báo về nơi công tác, cư trú để giáo dục, xử lý kỷ luật.
Hơn thế nữa, ngay cả các tội phạm khi bị xử phạt tù, hay cho hưởng án treo và giao cho chính quyền địa phương quản lý giáo dục, cơ quan có thẩm quyền cũng không công khai danh tính của những người phạm tội cho mọi người được biết, trừ trường hợp truy nã tội phạm.
Trong trường hợp truy nã tội phạm, để được phép công khai danh tính, đưa tin về tội phạm cần phải có Quyết định truy nã của Cơ quan Điều tra có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS 2015.
Như vậy, rõ ràng, những đối tượng này sẽ phải nhận những hình phạt cho hành vi vi phạm của mình phù hợp với quy định pháp luật. Còn việc công khai danh tính, quê quán và tung ảnh của người vi phạm lên mạng xã hội là trái với Hiến pháp 2013, Bộ luật dân sự 2015.
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. |