Cảm xúc của anh như thế nào khi chương trình “Điều ước thứ 7: Bản hòa tấu cha và con” đoạt giải chương trình “Văn hóa - Khoa học xã hội - Giáo dục ấn tượng” của VTV Award 2018?
Phải nói rất thật rằng, đến bây giờ tôi vẫn chưa quen. Chưa quen với cảm giác được mọi người ngợi khen hoặc ngưỡng mộ. Vì mình chỉ nghĩ đơn giản rằng, dù mình nuôi và chăm con trong hoàn cảnh khá đặc biệt nhưng mình không phải là trường hợp duy nhất.
Trong xã hội vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt hơn thế… mà mỗi mình mình được khen ngợi đâm ra có gì đó không quen. Nếu mình làm được việc gì đó lớn lao hơn, tác động nhiều hơn đến xã hội thì được khen còn cảm thấy đỡ ngại.
Bôm vui vẻ phát biểu trong lễ trao giải Ấn tượng VTV 2018.
Tuy nhiên, cũng rất mừng là chương trình sau khi phát sóng đã có sức lan tỏa rất lớn. Ít nhất là khán giả cảm thấy đồng cảm và thấy mình phải sống có ích hơn. Sau chương trình này, tôi cũng nghe nhiều người nói rằng họ sống yêu thương nhau hơn.
Các ông bố bà mẹ cũng sống trách nhiệm hơn với con cái. Đấy là điều khiến mình bớt dần đi cảm giác bối rối chứ thật ra mỗi lần đi nhận những giải thưởng như thế này tôi bối rối vô cùng.
Nhưng hình như sau khi chương trình “Điều ước thứ 7” về bố con anh phát sóng, cuộc sống của anh có chút đảo lộn?
Không, cũng không có gì đáng kể đâu. Tôi may mắn được hoạt động nghệ thuật nhiều năm nên việc đó không có gì tác động ghê gớm cả. Chỉ có cái là có nhiều người hỏi về kinh nghiệm chạy chữa và chăm sóc con.
Bản thân tôi từ trước đến nay cũng âm thầm trao đổi kinh nghiệm của bản thân cho các phụ huynh có con mắc bệnh như Bôm. Kinh nghiệm này thật sự rất thiết thực và mang lại những hiệu quả rõ ràng.
Anh có cảm thấy nhẹ nhõm hơn không khi con trai ngày càng tiến triển theo chiều hướng tích cực?
Đối với tôi, niềm vui lớn nhất chính là sức khỏe của Bôm ngày càng khá hơn và tình trạng bệnh tình ngày càng tiến triển. Sau khi “Điều ước thứ 7” quay xong thì Bôm đã trải qua một đợt phẫu thuật nữa để chỉnh lại phần hàm. May mắn ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi. Bây giờ cu cậu vẫn đang phải đeo một bộ khung trong miệng nên chắc khó chịu hơn trước đây. Bên cạnh đó, cu cậu cũng có nhiều tiến triển trong học âm nhạc.
Và một điều nữa đó là xã hội mọi người cũng biết đến và yêu thương Bôm nhiều hơn. Những động viên đó đối với Bôm rất quan trọng. Khi biết được mọi người yêu thương, đồng cảm… thì đứa trẻ như Bôm sẽ tự tin hơn rất nhiều. Từ ngày chương trình phát sóng đến bây giờ, Bôm lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ, lúc nào cũng nói “Mọi người ai cũng yêu quý con”.
Bôm có một tố chất là rất khát khao biểu diễn, khát khao được thể hiện, đó là điều rất đáng mừng. Nhiều bé khác có thể kỹ thuật nắm chắc 10 phần nhưng khi ra biểu diễn trước đám đông lại bị ngại ngùng. Bôm có thể kỹ thuật mới chỉ dừng ở mức 6 - 7 nhưng khi ra biểu diễn thì sự thăng hoa lại bốc lên rất cao. Tố chất đó có một phần là gen của “ông bô” Quốc Tuấn (cười).
Diễn viên Quốc Tuấn vẫn luôn sát cánh bên con trai trong hành trình dìu dắt con trở thành người bình thường.
Thành tích học tập của Bôm ở khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam rất tiến bộ, đạt 9,5 điểm tổng kết và đứng top 5 sinh viên có điểm cao trong khoa. Theo anh, Bôm có được sự tiến bộ này là do đâu?
Lúc Bôm thi vào khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì đứng ở top 4 và cho đến thời điểm này vẫn giữ được phong độ đó. Bôm thực sự rất đam mê âm nhạc. Mình ở trong nghệ thuật rồi nên mình biết, năng khiếu chỉ là một phần rất nhỏ, đam mê và nghị lực sẽ tác động rất lớn đến sự thành công của một con người.
Bây giờ cu cậu vẫn tập đàn một ngày 8 tiếng. Sắp tới có khi phải thay cây đàn mới vì cái búa gõ vào dây của đàn bị mòn hết. Mòn tới mức sửa rất nhiều lần nhưng vẫn không thể dùng được nữa. Tôi có một người bạn am hiểu về đàn bảo rằng, một năm tập của Bôm với cường độ như thế bằng người ta tập 10 năm.
Bây giờ đối với Bôm là không phải giục giã con tập đàn nữa mà nhiều khi phải thuyết phục con nghỉ. Tập nhiều quá cũng không tốt đối với sức khỏe của Bôm. Chẳng hạn đợt thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cu cậu tập ròng rã trong 9 tháng trời, đến khi chỉ còn nửa tháng nữa là thi thì cậu bị “tẩu hỏa nhập ma”, không nhớ một cái gì nữa. Cuối cùng các thầy khuyên mỗi ngày chỉ cho cu cậu tập có nửa tiếng thôi để lấy lại cần bằng. May mắn đến khi thi cu cậu lại lấy lại được trí nhớ.
Anh có thể chia sẻ một chút về ca phẫu thuật mà Bôm vừa phải trải qua? Cảm giác của anh như thế nào khi trải qua ca phẫu thuật lần thứ 11 này cùng con?
Bôm vừa tiến hành phẫu thuật nong hàm do hàm trước đây bị hẹp phần ngang. Lần này, Bôm may mắn được một Giáo sư người Anh nổi tiếng thế giới về lĩnh vực răng hàm mặt trực tiếp phẫu thuật tại Việt Nam. Quá trình phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức, Bôm được chú Hà - Trưởng kho và các cô chú trong đó chăm sóc rất tận tình.
Có một chi tiết rất xúc động là khi tiến hành phẫu thuật, các cô gây mê vào mũi Bôm rất khó. Vì mũi Bôm không thẳng mà khá cong, các cô sợ Bôm đau nên rất thận trọng. Các cô phải hỏi Bôm có đau không để các cô nghỉ không tiêm nữa thì Bôm trả lời: “Các cô cứ làm đi, cháu chịu đau rất giỏi vì cháu đã trải qua 10 lần phẫu thuật rồi”.
Nghe Bôm nói thế thì các cô rất cảm động, rưng rưng nước mắt và cuối cùng ca mổ đã rất thành công. Bôm cũng rất biết là mỗi lần tiến hành phẫu thuật xong mình sẽ thay đổi đi nên cu cậu rất vui.
Bôm đã sống lạc quan, vui vẻ và tự tin hơn trước đây.
Trước cháu nói ngọng nên tư duy rất ngắn, cứ nói nửa chừng mà ấp úng là mình phải hiểu ngay vì nếu cu cậu không diễn đạt được là nổi cáu. Như thế rất dễ bị trầm cảm. Bây giờ cu cậu đã diễn đạt dài hơn. Cũng xem phim, đọc truyện… thỉnh thoảng hơi đơ đơ một chút (cười).
Bôm đang ở tuổi trưởng thành nên cu cậu sẽ có nhiều sự thay đổi vể thể chất và trí tuệ. Anh có phải thường xuyên “kè kè” bên con để hỗ trợ con?
Cu cậu có sự phát triển nhiều về thể chất thôi còn trí tuệ và tâm hồn thì tôi vẫn cố giữ cho con theo những gì con đang có. Cố gắng để cu cậu hồn nhiên tối đa vì tôi không muốn con va chạm cuộc sống sớm. Tôi nghĩ, con nó đã như thế rồi thì cứ để con nó thoải mái. Nôm na là cứ để cu cậu ngố tàu một chút cũng được. Còn sau này, khi bước vào cuộc sống thì tính sau. Đến bây giờ cũng chưa biết tiền là gì đâu. Quần áo thì bố mua cho thứ gì mặc thứ nấy.
Mới đây, khi cho cu cậu đi tập huấn với các bạn, tôi có cho tiền để đến đó cu cậu thích gì thì mua. Trước khi đưa tiền tôi có dặn “Con đến đó mua gì nhớ phải mặc cả, nếu không biết mặc cả phải nhờ cô”. Sau này có nghe cô kể lại, cu cậu đến mua đồ, người ta ra giá 30.000, cu cậu trả 40.000, người ta ra giá 80.000 đồng cu cậu trả lên đến 100.000 (cười).
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.