Dân Việt

Người dân Thủ Thiêm muốn đối chiếu đất với tấm bản đồ ban đầu

Hồ Văn 09/09/2018 19:15 GMT+7
Nhiều hộ dân vẫn không đồng tình khi kết luận của TTCP chỉ nhắc đến 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch, trong khi hàng trăm hộ dân khác cũng đang khiếu nại về ranh quy hoạch thì không được nhắc đến. Họ muốn đối chiếu với tấm bản đồ quy hoạch ban đầu và yêu cầu chính quyền đối thoại thẳng thắn để làm rõ khúc mắc của họ.

“Cần tìm bản đồ thất lạc để đối chiếu ranh quy hoạch”

Nhiều người dân đã đề xuất như vậy khi cho rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ dựa trên cặp bản đồ tương ứng mà không nói đến tấm bản đồ thất lạc? 

img

Ông Bùi Quốc Toản đang chỉ rõ những mâu thuẫn trong các văn bản và quyết định liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: H.V

Theo ông Bùi Quốc Toản, trong kết luận của TTCP chỉ đề cập 4,3ha nằm ngoài ranh, nhưng còn hàng trăm hộ dân thuộc khu phố 1, 2 phường Bình Khánh, khu phố 1 phường  An Khánh, khu phố 5, 6 phường Bình An… nằm ngoài quy hoạch Trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm thì không nhắc đến.

Ông Toản khẳng định nhà đất của những hộ  thuộc các khu vực nói trên nằm ngoài quy hoạch khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm theo quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1996.

“Chúng tôi có đầy đủ cơ sở, bằng chứng bằng các văn bản, quyết định… để khẳng định điều mà chúng tôi nói. Vì vậy, chúng tôi không chấp nhận kết luận của TTCP vừa công bố khi chỉ đề cập đến 4,3ha ngoài ranh quy hoạch mà không nhắc gì đến phần đất mà các hộ dân chúng tôi đang khiếu kiện nói trên. Riêng về điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 2005 do ông Nguyễn Văn Đua ký đã đưa đất nhà chúng tôi vào quy hoạch trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm là không thực hiện đúng quyết định 367 mà nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt năm 1996”, ông Toản nói.

img

Ông Nguyễn Văn Khương và các hộ dân cho rằng kết luận của TTCP khiến họ băn khoăn về những khiếu nại của họ chưa được giải quyết thỏa đáng. Ảnh: H.V

Ông Nguyễn Văn Khương (có nhà, đất ở khu phố 1, phường Bình Khánh, quận 2) khẳng định hiện nay có nhiều người dân đang khiếu kiện, yêu cầu làm rõ ranh quy hoạch vì người dân, đặc biệt ở khu vực giáp ranh dự án KĐTM Thủ Thiêm không thuộc dự án này. Đây là những trường hợp khác, không thuộc phạm vi 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An đã được kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch.

Theo ông Khương, một khi ranh quy hoạch chưa được làm rõ thì chưa đủ căn cứ xác định nhà, đất của người dân nằm trong ranh quy hoạch để yêu cầu người dân bàn giao đất thực hiện dự án.

“Chỉ khi ranh quy hoạch được làm rõ, xác định nhà, đất của người dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án thì chúng tôi mới có nghĩa vụ giao nhà, giao đất”, ông Khương nhấn mạnh và cho rằng, kết luận của TTCP không làm rõ được vấn đề này, không đưa ra một tấm bản đồ nào xác định trường hợp của các hộ dân này.

Một số hộ dân khác cũng khẳng định đất, nhà của họ nằm ngoài ranh và yêu cầu các cấp chính quyền hãy đối thoại thẳng thắn với người dân để làm rõ tính pháp lý mà họ đang khiếu nại.

“Các cơ quan ban ngành cần tìm lại bản đồ được cho là thất lạc để chứng mình điều chúng tôi nói là sự thật và TTCP cần xem xét lại vấn đề này”, các hộ dân cho biết.

Trả lời qua điện thoại, ông Lê Văn Năm, nguyên KTS trưởng cho rằng dù sự việc đã lâu và ông nghỉ hưu hơn 20 năm nhưng ông vẫn nhớ là khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm thì có đầy đủ các văn bản và bản đồ. Việc thất lạc thì ông không rõ lắm và sẽ báo cáo mọi việc theo kết luận của TTCP khi có yêu cầu của UBND TP.HCM.

Vì sao không có đất tái định cư?

Trong phạm vi 5 phường (ngoài ranh Khu đô thị mới), mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu tái định cư 160 ha, nhưng UBND TP.HCM đã giao đất cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng… với tổng diện tích khoảng 144,6 ha.

Kết quả kiểm tra chi tiết một số dự án đã phát hiện một số khuyết điểm, vi phạm chủ yếu sau:

Trong 51 dự án được UBND thành phố quyết định giao sau khi đã có Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 04/6/1996 và Văn bản số 190/CP-NN ngày 22/02/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu tái định cư, (trong đó có 6 dự án chấp thuận chủ trương, tạm giao với diện tích 27,7 ha và giao 45 dự án với diện tích 116,9 ha sau khi có Quyết định số 367/TTg ngày 04/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ). Hậu quả là, không có đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

img

Thủ Thiêm hiện tại vẫn chỉ là những dự án khang trang của tư nhân, chưa thấy các công trình công cộng, tiện ích như kỳ vọng. Ảnh: H.V

Một số cư dân Thủ Thiêm bị giải tỏa trắng cho hay, chính vì quy hoạch “mập mờ”, giao đất cho các dự án ăn theo, khiến diện tích khu Đô thị mới Thủ Thiêm bị thu hẹp.

Theo các chuyên gia cũng như người dân, đây là môt trong những điều chỉnh khiến 160ha tái định cư theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ là “Tái định cư phải sát hoặc liền kề khu trung tâm” đã biến mất. Thay vào đó, đất tái định cư được chia nhỏ ra nhiều phường không nằm trong quy hoạch ban đầu, lấn ranh chồng chéo gây bức xúc cho người dân.

img

Nhiều người dân Thủ Thiêm vẫn bám trụ dù nhà cửa xập xệ. Ảnh: H.V 

Đối với dự án có quy mô diện tích lên tới 930 ha, ảnh hưởng hơn 10.000 hộ gia đình (khoảng 15.000 người) thì việc xác định ranh giới quy hoạch và ranh giới thực địa như dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

 Luật sư Hà Hải ( đoàn Luật sư TP.HCM ), nhận định kết luận của TTCP đã xác định rõ các sai phạm cùng trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền của TP.HCM. Kết luận cũng nhấn mạnh, thu hồi ngoài ranh, giảm diện tích tái định cư và bố trí tái định cư nằm ngoài vị trí quy hoạch là những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện của người dân. “Khi không bố trí tái định cư ở nơi được quy hoạch, TP.HCM đã lấy đất nơi khác bố trí tái định cư, là tiếp tục làm sai”, Luật sư Hà Hải phân tích. Các sai phạm này tác động trực tiếp, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đi kèm với những thiệt hại của người dân là người dân mất niềm tin. Đây là mất mát lớn nhất.

Do đó, TP.HCM cần tập trung giải quyết hậu quả. Trước hết, UBND TP cần áp dụng các quy định hiện hành để giải quyết các yêu cầu, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trường hợp không trả lại được đất cho người dân thì phải thực hiện hoán đổi ở nơi có giá trị tương đương hoặc bồi thường theo giá thị trường. Từng là đại diện cho một số hộ dân Thủ Thiêm kiến nghị về quyền lợi của họ, Luật sư Hà Huy Sơn (Công ty TNHH Hà Sơn), cũng cho rằng TP.HCM phải thương lượng với người dân. Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì được yêu cầu bồi thường.