Dân Việt

Tranh cãi chuyện đánh vần bằng... “ô vuông, hình tròn”

Hà My 10/09/2018 06:29 GMT+7
Việc sử dụng “ô vuông, hình tròn để giúp học sinh nắm được cách đánh vần trong môn tiếng Việt 1, thuộc chương trình Công nghệ giáo dục đang khiến dư luận sôi sục, nhiều phụ huynh hoang mang.

Cách đánh vần “lạ”

 Những ngày vừa qua, đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo dạy bộ môn tiếng Việt học sinh lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục bất ngờ gây hoang mang cho nhiều phụ huynh. Cụ thể, nhiều học sinh tiểu học thay vì đọc chữ cái hay từ ngữ, thì chỉ vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác và đọc vanh vách cả một bài thơ.

Trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp  1 -  Công nghệ giáo dục, 2 câu thơ "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" được phiên âm phía trên. Hàng phía dưới được biểu thị bằng hai dòng gắn hình vuông màu cam. Cuốn sách này chú thích "Có bao nhiêu tiếng, có bấy nhiêu khối hình". Ở bài đồng dao "Bống bống bang bang/Lên ăn cơm vàng/Cơm bạc nhà ta", dưới phần chữ là 12 hình tròn màu xanh, sắp xếp 4 hình trong một hàng.

img

Giáo viên dạy học sinh đánh vần  bằng ô vuông theo  sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: I.T

Phương pháp đánh vần khác lạ này ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi đa chiều từ phía dư luận. Nhiều phụ huynh hoang mang cho rằng cách học này cực kỳ khó hiểu và khiến trẻ chậm tiếp thu hơn phương pháp cũ. Thậm chí nhiều người có con học theo cách này đã hỏi ngược con mình vì sao có thể nhìn ô vuông, hình tròn để đọc ra câu thơ thì các em không trả lời được.

img

Trước những thông tin này, có phụ huynh còn đăng tải clip đốt sách Công nghệ giáo dục vì cho rằng đây là “thứ” sẽ làm cho con em họ mai một đi khả năng nói tiếng Việt. Người phản ứng nhẹ nhàng hơn thì chia sẻ trên trang mạng cá nhân rằng cách học từ bao đời nay đâu có gì sai trái, để rồi phải đổi phương pháp gây hoang mang dư luận, tốn kém tiền của.

Chị Đỗ Vân, hiện đang có con học lớp 1 tại Hà Nội cho biết: “Mình với ông xã sau khi xem đoạn clip này thì rất lúng túng bởi nó khác xa với những gì mình được học ngày trước. Con gái mình không theo học chương trình thực nghiệm và mình cũng không muốn con phải theo học bởi học như thế này về nhà bố mẹ không thể nào theo sát việc học tập của con được vì có biết gì đâu”.

Cùng chung quan điểm chị Hà Anh (Mỹ Đình) cho biết mặc dù hiểu phương pháp đánh vần theo chương trình Công nghệ giáo dục nhưng cũng rất ngại khi cho con mình tiếp cận phương pháp mới bởi quan điểm của chị giáo dục gia đình là một phần tất yếu không thể nào tách rời với giáo dục trường học trong con đường học tập của con cái.

Bên cạnh sự hoang mang, “lo sợ” trước cách học mới, có không ít người “ví von” phương pháp dạy tiếng Việt của Công nghệ giáo dục giống với cải cách chữ viết của TS Bùi Hiền từng “dậy sóng” dư luận trước đây. Những ý kiến này đều cho rằng việc thay đổi cách đánh vần sẽ làm cho tiếng Việt mất đi sự trong sáng, bản sắc vốn có. Tuy vậy, ngoài những ý kiến phản biện, bác bỏ phương pháp kể trên thì có nhiều người cho rằng cần phải có một cái nhìn chính xác hơn về phương pháp dạy tiếng Việt của Công nghệ giáo dục. Cần làm rõ rằng phương pháp này không làm thay đổi bất kỳ quy tắc về mặt chính tả nào của tiếng Việt mà chỉ thay đổi phương pháp tiếp cận cho trẻ với tiếng Việt.

PGS- Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là một người được trực tiếp trải nghiệm chương trình Công nghệ giáo dục của Trường Thực nghiệm (Hà Nội) cho biết: “Phải khẳng định cách học tiếng Việt của Trường Thực Nghiệm có sự khác biệt. Khi các bạn học đánh vần từng từ thì chúng tôi học thơ lục bát. Chúng tôi học âm trước rồi đến chữ rồi mới ghép vần. Nên cách tiếp cận này trở nên lạ lùng với những ai học chữ bằng đánh vần đầu tiên”.

Công nghệ giáo dục đã… có thành tựu

Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới: "Cách đọc chữ “ô vuông, tam giác” là cách dạy của cuốn sách tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Cách dạy này đã được đưa vào thực tế, thực nghiệm ở một số trường học cách đây mấy chục năm chứ không phải mới. Có thể đây là lứa phụ huynh mới nên thấy ngạc nhiên với cách dạy này”.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, những bài học đầu tiên trong cuốn sách có mục đích giúp học sinh học cách tách lời nói thành các tiếng, để học sinh hiểu cách đọc lời thơ đó chứ học sinh chưa phải học cách đánh vần, học chữ. Theo đó, trẻ sẽ hình dung mỗi ô vuông, tam giác là khối chữ trên trang sách. Trẻ sẽ không đọc thừa chữ, thiếu chữ.

"Hình tròn, hình vuông, hình tam giác... được dùng để mô tả các câu thơ chỉ là những gợi mở ban đầu cho trẻ chưa biết gì về tiếng Việt. Từ bài thứ 3 trong cuốn sách trở đi, chúng ta có thể thấy các hình vuông, tròn, tam giác được thay thế bằng các chữ tiếng Việt”.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS-TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực Nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5.5.2006 của Bộ GDĐT). Tài liệu tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định.

Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn tiếng Việt ở lớp 1 tại Trường Thực Nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ đã đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện và không mở rộng để tạo sự ổn định.

img

GS-TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam

Bối rối là...bình thường!

GS Hồ Ngọc Đại dựa trên phương pháp, cách tiếp cận, trường phái lý luận, tâm lý giáo dục riêng của ông. Chúng ta không thể phê phán cách học này qua một clip. Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu và thông cảm với những lo lắng, thậm chí hoang mang của nhiều phụ huynh, khi xem clip cải cách cách đánh vần. Họ lo rằng cách dạy đánh vần như trong clip sẽ được/bị đưa vào sách giáo khoa lớp 1 sắp tới.

Nhiều giáo viên, phụ huynh bối rối với  cách học trong tiếng Việt công nghệ là chuyện bình thường. Bởi đến nay, con người đều có tâm lý chung giữ chữ viết theo đúng cách truyền thống. Với cách học đó, họ đã trưởng thành và sợ bị học lại. Chưa kể đã có những đề xuất thay đổi chữ viết như trường hợp của PGS Bùi Hiền gây tranh luận.

img

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT

Đừng... ném đá!

“Chương trình Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không hề giống với nghiên cứu cải cách chữ tiếng Việt của PGS Bùi Hiền và việc dân mạng đánh đồng hai nghiên cứu này là một là không đúng.

Một cái là đề xuất cải cách hoàn toàn chữ viết còn một cái là công nghệ giáo dục nhằm cải cách phương pháp dạy và học hướng đến cho học sinh phát âm, đánh vần nhanh, chính xác hơn.

Theo đề xuất cải cách hoàn toàn chữ viết của PGS Bùi Hiền thì thay đổi hoàn toàn chữ viết và nếu áp dụng theo đề xuất này thì toàn dân mù chữ. Việc đề xuất gộp chữ C, K, Q đánh vần là C thì không hợp lý. Theo tôi, cái gì đã là tinh túy, đã là phổ biến, thông dụng thì không nên đề xuất thay đổi. Ví dụ: Tổ quốc thay thành Tổ cuốc thì tôi nghĩ trái khoáy lắm.

Một cuốn sách giáo khoa hay một nghiên cứu giáo dục được đưa vào giảng dạy đều sẽ có một hội đồng của Bộ GDĐT đảm nhiệm. Do đó trách nhiệm thuộc về Bộ GDĐT cũng như cơ quan chức năng còn cá nhân các chuyên gia, giáo sư chỉ là những người đam mê, mong muốn góp sức lực phát triển ngành giáo dục nước nhà, vì vậy dư luận không nên ném đá”.

Hà My (ghi)