Dân Việt

“Cha đẻ” Công nghệ giáo dục nói về triết lý… khác thường

Việt Phương 10/09/2018 06:28 GMT+7
Trước sự xôn xao trong dư luận về phương pháp dạy tiếng Việt của chương trình Công nghệ giáo dục, mới đây, GS Hồ Ngọc Đại đã có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm, triết lý giáo dục của riêng ông được thể hiện trong chương trình Công nghệ giáo dục.

img

Trước sự xôn xao trong dư luận về phương pháp dạy tiếng Việt của chương trình Công nghệ giáo dục, mới đây, GS Hồ Ngọc Đại (ảnh) đã có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm, triết lý giáo dục của riêng ông được thể hiện trong chương trình Công nghệ giáo dục.

Học sinh là trung tâm

"Sự vượt trội của chương trình Công nghệ giáo dục là lấy học sinh làm trung tâm, tất cả những kiến thức đều được các em tiếp thu một cách trực quan.

Học sinh tiểu học suy nghĩ rất đơn giản, nếu phương pháp sai thì các em không thể nào hiểu được. Tôi làm giáo dục là tác động tới đời sống của người khác, vì thế tôi phải có trách nhiệm với chương trình của mình"- GS Đại khẳng định.

Theo GS Đại, phương châm giáo dục cũ noi gương thánh hiền, nền giáo dục hiện đại phải tự phát triển, noi gương chính bản thân nó. "Trước đây có 5% dân số đi học, thì giáo dục thế nào chả được. Hiện nay 100% đi học thì phương pháp phải khác, không thể giữ cái cũ mãi được"- GS Đại nói.

Chủ biên chương Công nghệ giáo dục khẳng định rằng chương trình này đặt học sinh làm trọng tâm, tất cả những thứ khác đều xoay quanh đối tượng này. Thậm chí, cha mẹ, giáo viên chỉ là những đối tượng phụ nhằm khuyến khích sự phát triển của học sinh.

img

Học sinh được coi là trung tâm trong  phương pháp dạy của công nghệ giáo dục.Ảnh: T.A

"Triết lý giáo dục của tôi là: Một cá nhân phải trở thành chính nó. Lý thuyết này đưa ra thực tiễn cần có công nghệ, tôi đã có Công nghệ giáo dục. Công nghệ này xây dựng thì rất khó, nhưng sử dụng thì rất dễ" - GS Hồ Ngọc Đại khẳng định.

Hãy cho con trẻ được hưởng những cái mới

GS Hồ Ngọc Đại cho rằng nhiều người hiện nay thường dạy con theo kiểu noi gương các bậc thánh hiền: “Riêng tôi thì không, bởi đó là nền giáo dục đầy ảo tưởng. Nhiều người so sánh "cậu ấy đẹp trai như anh hàng xóm", tại sao lại so sánh như thế, nó phải là chính nó”.

Nói về chương trình giáo dục truyền thống, GS Đại cho rằng trẻ em là con đẻ của thời đại, khả năng thích nghi đều vượt trội với người lớn. Bố mẹ phải biết "chịu thua", lắng nghe con thì mới dạy được con. Trẻ con luôn có cái lý rất riêng, phải tôn trọng thì mới đồng hành được với chúng. Hãy tạo cho trẻ con được hưởng những cái mới chưa ai có.

"Người lớn không nên lấy mình làm mẫu cho trẻ em. Vì vậy, khi đã có một thế hệ mới, một lịch sử mới thì hiển nhiên cần có một nền giáo dục mới dựa trên một cơ sở lý thuyết mới. Đó cũng là lý do vì sao tôi mở trường Thực Nghiệm. Đối với tôi, tôi luôn lấy học sinh làm trọng tâm của nền giáo dục" - GS Đại bày tỏ.

Nói về việc dùng hình tròn, vuông để học sinh học tiếng trong tiếng Việt, GS Hồ Ngọc Đại cho biết có nhiều hiểu nhầm trong vấn đề này. Ông khẳng định tiếng Việt trong Công nghệ giáo dục không dạy học sinh lớp 1 bài đầu tiên về ý nghĩa của từng từ trong câu mà chỉ muốn nhấn mạnh tới âm tiết trong câu. Nghĩa là làm cho học sinh hiểu được, âm là vật thật, chữ là vật giả, vật thật là thứ cố định, còn chữ là thứ biến động.