Trên sàn chứng khoán, tồn tại những cổ phiếu với thị giá chỉ ngang mức giá của những cọng hành, rau thơm ngoài chợ. Những doanh nghiệp này này xuất hiện ở cả ba sàn niêm yết là HOSE, HNX và Upcom, nhưng chủ yếu nằm ở sàn Upcom. Đây là những doanh nghiệp có tình hình làm ăn vô cùng bết bát, thua lỗ triền miên và âm vốn chủ sở hữu tới cả trăm đến ngàn tỷ đồng. Nhiều người còn gọi những cổ phiếu này là cổ phiếu “xác sống” trên sàn chứng khoán.
Hầu hết các doanh nghiệp “chết lâm sàng” đều niêm yết trên Upcom
Điển hình có thể kể đến như cổ phiếu AVF của CTCP Việt An. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản. Sau nhiều năm làm ăn có lãi, AVF bắt đầu thua lỗ lớn cả ngàn tỷ đồng kể từ 2014.
Theo BCTC nửa đầu năm 2018, dù vẫn có doanh thu 59,5 tỷ đồng, nhưng do lãi vay quá lớn cùng các chi phí doanh nghiệp, AVF lỗ ròng 51,3 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30/6/2018, AVF ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 2.161 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.714 tỷ đồng.
Hiện AVF đang niêm yết trên Upcom trong tình trạng bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần. Mặc dù thua lỗ ngàn tỷ, giá cổ phiếu chỉ ở mức 400 đồng, nhưng AVF vẫn có thanh khoản cả vài triệu đơn vị mỗi phiên. Số tiền mà các nhà đầu tư móc hầu bao đổ vào cổ phiếu này lên tới cả tỷ đồng trong một phiên giao dịch.
Một ví dụ khác là mã GTT của CTCP Thuận Thảo – doanh nghiệp của Nữ doanh nhân tiêu biểu Việt Nam một thời là bà Võ Thị Thanh. Từng là một doanh nghiệp lừng lẫy tại Phú Yên, nay Thuận Thảo lâm vào tình cảnh nợ nần, thua lỗ khó cứu vãn.
Hết quý II năm 2018, Thuận Thảo có khoản lỗ lũy kế 1.159 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm tới 712,6 tỷ đồng. GTT hiện giao dịch ở mức 300 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trên toàn sàn chứng khoán. Thế nhưng, mỗi phiên GTT vẫn khớp lệnh được từ chục ngàn đến trăm ngàn đơn vị.
Những cổ phiếu ở mức giá “cọng hành, rau thơm” trên sàn chứng khoán
Ngay cả trên HOSE – sàn niêm yết chứng khoán nghiêm ngặt nhất tại Việt Nam, cũng có những cổ phiếu chỉ quanh mức 1000 đồng. Điển hình như: LCM (790 đồng) của CTCP Khai thác và chế biến khoáng sản Lào Cai, VHG (1.060 đồng) của Đầu tư Cao su Quảng Nam, ATG (1.090 đồng) của CTCP An Trường An), hay PPI (1.270 đồng) của CTCP Đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương).
Khi lựa chọn mua vào những mã cổ phiếu dạng này, thường có hai kiểu nhà đầu tư. Thứ nhất là những người có tâm lý ham rẻ và muốn có lời lớn nhanh chóng theo dạng đầu cơ. Ví dụ, cổ phiếu GTT có mức giá 300 đồng, với mức giá trần – sàn cách nhau bước giá 100 đồng. Như vậy, nếu nhà đầu tư mua vào GTT ở mức 300 đồng, nếu bán được giá trần thì sẽ có lời ngay hơn 33,3%. Đây là một mức sinh lời đầy hấp dẫn đủ để thu hút những nhà đầu tư liều lĩnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để mua giá tham chiếu và bán giá trần. Với tình hình thua lỗ đậm, không có tương lai, các nhà đầu tư thường đặt mua những cổ phiếu dạng này ở mức giá sàn hoặc tham chiếu. Hơn nữa, do nhiều cổ phiếu ở tình trạng hạn chế giao dịch, chỉ được mua bán vào thứ 6 hàng tuần, nên nhà đầu tư phải cần đúng 3 tuần sau khi mua mới bán được cổ phiếu. Trong khi với các mã bình thường, nhà đấu tư có thể bán cổ phiếu hai ngày sau khi mua.
Thứ hai là kiểu nhà đầu tư có xu hướng đầu tư dài hạn. Họ nhận thấy tiềm năng sống lại của doanh nghiệp trong tương lai và quyết định rót tiền để mua cổ phiếu. Nếu thành công, mức sinh lời sẽ là rất lớn, có thể lên đến cả vài trăm %, thậm chí vài nghìn %.
Tuy nhiên, khả năng hồi phục của các doanh nghiệp này là rất thấp, nếu có thì cũng trong thời gian rất dài. Nhà đầu tư không chỉ chịu rủi ro về việc bị “chôn” vốn mà còn có thể mất vốn hoàn toàn khi các doanh nghiệp này tuyên bố phá sản hoặc hủy niêm yết.
Lãi ròng của 4 chi nhánh Samsung Việt Nam cao gấp rưỡi tổng lợi nhuận của cả 10 đại gia niêm yết lớn nhất trên sàn.