Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế vừa được đưa ra lấy ý kiến, trong đó, Điều 29 và Điều 100 của dự thảo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của NHTM trong việc quản lý thuế.
Cụ thể, dự thảo luật quản lý thuế đề cập NHTM định kỳ cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng (NH) cho cơ quan quản lý thuế. NHTM có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế. Đồng thời khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Về vấn đề này, “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt cũng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico (Ảnh: Hoàng Thắng)
Thưa ông, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế (bao gồm thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế…). Ông đánh giá như thế nào về quy định này?
Đây là một quy định cũ, đã có từ lâu. Quy định này đã được thể hiện trong Luật, cụ thể hóa trong Thông tư liên tịch giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Theo đó, từ chi cục thuế địa phương trở lên đã có đủ thẩm quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng.
Trên thực tế, hoạt động cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng khiến các NHTM tốn nhiều công sức, thời gian nhất, số lượng thông tin cung cấp cũng nhiều nhất từ trước tới nay. Thời gian còn làm việc tại ngân hàng, thỉnh thoảng tôi lại nhận được một văn bản từ một chi cục thuế nào đó đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin của khoảng vài nghìn khách hàng. Đến khi số lượng thông tin cần cung cấp quá lớn, phía NHTM phải yêu cầu đơn vị đề nghị cung cấp thông tin chia sẻ tên, tuổi, địa chỉ của đối tượng cần tra cứu... tới lúc đó công việc mới trở nên dễ dàng hơn.
Một danh sách có tên hàng trăm người tối đa tìm ra vài chục trường hợp khách hàng, đôi khi chỉ tìm được một vài khách hàng. Cá biệt, có trường hợp tra cứu hàng trăm danh sách không thể tìm ra bất kỳ trường hợp nào là khách hàng của ngân hàng mình.
Song tôi cho rằng đây là một quy định đúng và hợp lý. Bởi chức năng quan trọng nhất của cơ quan quản lý thuế là thu thuế và chống trốn thuế. Về nguyên tắc chung, tất cả các cá nhân, pháp nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải có trách nhiệm giúp đỡ cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, gian lận.
Có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất, công việc này làm mất quá nhiều thời gian, công sức của các tổ chức tín dụng. Vậy nên, chúng ta cần thay đổi, tìm một phương án mới hoặc giành một khoản chi phí bù trừ cho thời gian, công sức họ bỏ ra.
Ví dụ, như đề án hợp nhất thông tin để thực hiện quản lý Nhà nước mới được công bố cách đây không lâu. Bản chất thông tin là của Nhà nước và người dân, nhưng để phục vụ cho mục tiêu quản lý xã hội tốt hơn, thông tin này sẽ được chia sẻ cho công chúng và các cơ quan chức năng.
Trường hợp cơ quan thuế hay một tổ chức, cá nhân muốn tra cứu thông tin tài khoản, thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm, hồ sơ thế chấp sẽ phải trả phí. Điều này sẽ hợp hơn thay vì việc văn bản yêu cầu phía ngân hàng cung cấp thông tin, gây khó khăn, tốn kém cho họ.
Thứ hai, quy định như thế nào để bảo đảm quyền lợi giữa các bên. Đặc biệt, tránh để người dân lo ngại, nhầm lẫn việc bị lộ bí mật khi ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Muốn có thông tin phải trả phí!
Ông có lo ngại quy định như vậy sẽ gây khó cho ngân hàng bởi phạm vi cung cấp thông tin không rõ ràng sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục, có thể vi phạm quy định về bảo mật thông tin của ngân hàng với khách hàng?
Từ trước tới nay, không chỉ riêng cơ quan thuế, có rất nhiều đơn vị được phép yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin như công an, cơ quan thi hành án, thẩm phán, cơ quan thanh tra - giám sát của NHNN...
Bản thân các cơ quan này phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin khách hàng. Giờ chúng ta phải xây dựng quy định sao cho hạn chế tỷ lệ rò rỉ thông tin. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của một vài hoặc vài chục trường hợp trong một số thời điểm sẽ không thể dẫn tới rò rỉ dữ liệu, thông tin chung.
Về khoản chi phí bù trừ cho thời gian, công sức ngân hàng bỏ ra trong quá trình tra cứu thông tin, vấn đề này cũng giống như khách hàng khi thực hiện giao dịch ở ngân hàng. Bất kỳ ai khi đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin, sao kê tài khoản, xác nhận, chứng minh thông tin đều phải trả phí. Đây là con số thật, chứng minh quyền thật của khách hàng.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ, số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia tăng qua từng năm. Quy mô doanh nghiệp, quy mô giao dịch cũng tăng với tốc độ chóng mặt mà ngân hàng vẫn phải thực hiện tra cứu thông tin không công, dù là phục vụ Nhà nước nhưng như vậy không công bằng và hợp lý. Ngân hàng phải thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, thậm chí chịu chế tài trong trường hợp cung cấp thông tin không chính xác nhưng lại không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào.
Như vậy dự thảo Luật quản lý Thuế nên nêu rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin để tránh dẫn tới lạm quyền, áp dụng tùy tiện trong thực tế?
Cơ quan thuế có thể yêu cầu cung cấp số dư tài khoản tính đến ngày nào, giờ nào. Còn chuyện cung cấp thông tin giao dịch nên đưa vào trường hợp đặc biệt. Còn trong các trường hợp khác, nếu bản thân tôi gửi tiền cho bạn bè, người thân hay thực hiện thanh toán, cho vay-mượn tiền hay mua vật dụng cá nhân thì cơ quan thuế chẳng có lý do gì để yêu cầu ngân hàng cung thông tin đó cho họ.
Cơ quan thuế có thể yêu cầu khấu trừ tiền trong tài khoản, phong tỏa tài khoản nhằm đạt được mục tiêu thu thuế. Còn nếu cơ quan thuế được yêu cầu cung cấp chi tiết nội dung giao dịch qua tài khoản, lịch sử giao dịch thì lại trở thành điều tra. Chỉ trừ các trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc của ngành thuế, hải quan, cơ quan thuế mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết như vậy.
Hiện tại, đối với công an, từ Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết nội dung giao dịch qua tài khoản, lịch sử giao dịch. Nhưng phải kèm theo lý giải hồ sơ ra sao, đã khởi tố bị can, khởi tố vụ án chưa?
Ngành thuế cũng nên đưa ra những yêu cầu cụ thể như vậy.
Theo ông, đề xuất ngân hàng tự khấu trừ thuế, hay cưỡng chế thuế trên tài khoản của khách hàng sẽ ảnh hưởng đến quyền tài sản của tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp và các quy định pháp luật khác?
Nếu đã có quyết định của cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định của cơ quan tư pháp thì nghĩa vụ của tất cả các công dân, pháp nhân, kể cả cơ quan nhà nước, sẽ phải thi hành quyết định đó. Từ việc phát mại, thu hồi nợ, trợ cấp, hay điển hình là nợ thuế... thì từ trước đến nay không chỉ ngân hàng mà cả các cơ quan khác đang giữ khoản chi trả như tiền lương, bảo hiểm xã hội đều phải thực hiện.
Xin cảm ơn ông!