Nâng cấp máy móc sản xuất
Trao đổi về tình hình địa phương, ông Trần Văn Hà - Chủ tịch Hội ND xã Yên Phụ cho biết: “Nghề làm bánh đa nem có từ lâu đời ở Yên Phụ, người dân nơi đây đã tích lũy được kinh nghiệm vô cùng quý giá trong sản xuất bánh đa nem. Tuy là nghề phụ nhưng nhiều năm qua nghề làm bánh đa nem đã mang lại cho người dân nơi đây một đời sống kinh tế ổn định. Trung bình mỗi ngày làng nghề Yên Phụ sản xuất tiêu thụ 3 tấn gạo làm bánh đa nem”.
Cũng theo ông Hà, trước đây người dân Yên Phụ còn vất vả tráng bánh thủ công tỉ mỉ, giờ có máy cán bánh người làm cũng nhàn hơn. Tuy vậy, để sản xuất bánh đa nem theo quy mô hàng hóa thì người sản xuất bánh đa nem Yên Phụ đứng trước nhiều khó khăn do thiếu vốn mua sắm máy móc chuyên nghiệp, hiện đại.
Để hỗ trợ người dân Yên Phụ phát triển nghề truyền thống, năm 2016 Hội ND xã đã lập dự án phát triển nghề làm bánh đa nem và được phê duyệt, giải ngân 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư cho 10 hộ vay vốn làm ăn.
Được vay vốn Quỹ HTND, người dân xã Yên Phụ (Yên Phong, Bắc Ninh) đã đầu tư máy móc sản xuất bánh đa nem hiệu quả hơn. Ảnh: Anh Khôi
Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”; tăng cường công tác kiểm tra; quản lý nguồn vốn; xét duyệt hộ vay khách quan, chú trọng xây dựng và phát triển các dự án vay vốn phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường... |
Là 1 trong 10 hộ vay vốn Quỹ HTND anh Nguyễn Văn Thuần ở thôn Cầu Gạo phấn khởi nói: “Do trước đây không có vốn nên gia đình tôi chỉ sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao.
May mắn năm 2016 được Quỹ HTND cho vay 50 triệu đồng, tôi có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Hiện nay, bình quân mỗi tháng gia đình tôi cung cấp ra thị trường hơn 40 vạn bánh, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng”- anh Thuần cho biết.
Cũng được vay vốn Quỹ HTND, chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Cầu Gạo cho biết: “Những năm 2000, nhận thấy Yên Phụ phát triển mạnh nghề làm bánh đa nem nên gia đình tôi quyết định mở xưởng sản xuất tại nhà.
Thời gian đầu khó khăn trăm bề. Các bạn hàng chưa có dẫn đến đầu ra không ổn định, thợ làm thiếu kinh nghiệm, kỹ năng; nhưng cái khó nhất phải kể đến là thiếu vốn mua sắm máy móc, nguyên liệu…”- chị Xuân nhớ lại.
Được vay vốn Quỹ HTND, chị Xuân đã đầu tư dây chuyền máy nhúng cùng cối xay, máy cắt, quạt sấy... Từ đó tăng năng suất gấp 3 lần so cách làm thủ công trước đây. Bình quân mỗi ngày gia đình xuất bán 1,2 tạ sản phẩm, tạo việc làm cho 6 lao động.
Chủ tịch Hội ND xã Yên Phụ cho biết: “Chúng tôi vận động các hộ vay theo mô hình, dự án nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể. Khi thực hiện theo phương thức này, các hộ cùng sinh sống trên một địa bàn, có sở thích hoặc cùng sản xuất ra một loại hàng hóa có thể tương trợ, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, hay đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Nhờ đó, công tác quản lý nguồn vốn cũng dễ dàng hơn”.
Hơn 1.000 hộ vay vốn Quỹ HTND
Theo báo cáo của Hội ND tỉnh Bắc Ninh, trong nhiệm kỳ 2013-2018, vốn vay Quỹ HTND tăng trưởng ấn tượng, đạt trên 37 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND Hội ND tỉnh đang quản lý đạt hơn 51,8 tỷ đồng. Trong đó, chiếm nhiều nhất là Trung ương uỷ thác 14,8 tỷ đồng và UBND tỉnh cấp 31,2 tỷ đồng; còn lại là nguồn huyện và cơ sở. Hiện nguồn vốn đang giải ngân cho gần 1.100 hộ vay đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4.000 lao động.
Sau giải ngân, công tác kiểm tra được chú trọng, bảo đảm nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Cùng với chủ trương hàng năm bổ sung cho nguồn Quỹ HTND tỉnh từ ngân sách, UBND tỉnh đã quyết định hạ mức lãi suất vốn vay nguồn tỉnh xuống còn 3%/năm.
Đây là tiền đề để nguồn vốn Quỹ HTND trở thành nguồn lực tiếp sức cho nông dân trong tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống; góp phần giải quyết việc làm, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở các địa phương.