Dân Việt

Nông sản sẽ “sạch” hơn nhờ Nghị định nông nghiệp hữu cơ

Hữu Quang 12/09/2018 08:00 GMT+7
Mỗi năm chúng ta sử dụng khoảng 30.000 tấn thuốc trừ sâu trừ bệnh với 385 hoạt chất đơn và hơn 1.000 hỗn hợp các hoạt chất với nhau. Tổng sản lượng phân bón là khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp (hằng năm chỉ cần từ 10 - 11 triệu tấn).

Hiện nay, mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc BVTV, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45 - 50%. Lượng phân bón mà cây trồng không hấp thụ được, bị rửa trôi là một trong những nguyên nhân gây nên hiện trạng ô nhiễm, thoái hóa đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả canh tác, an toàn nông sản.

img

Hiện nay nông dân vẫn còn thói quen lạm dụng quá nhiều phân hóa học. Ảnh: IT

GS.TS Nguyễn Thơ, Giảng viên BVTV lâu năm tại Đại học Cần Thơ nhận định: “Hiện nay chúng ta đang lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ, đưa đến hậu quả mà ai cũng thấy, đó là đất đai bị thoái hóa. Quản lý thực vật ngày càng kém hiệu quả, nông sản không an toàn, chúng ta không thể cứ đổ mãi hóa chất, thuốc BVTV xuống đất, hãy trả lại hữu cơ cho đất !”.

Cũng theo GS.Thơ, khi đất không có hữu cơ thì không có “sức khỏe”. Nếu đất đầy đủ hữu cơ thì sẽ cân bằng được hệ sinh thái, quản lý dịch hại tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn không thể làm ngày một ngày hai, nó phải được làm một cách từ từ, từng bước và liên tục như kiểu “cháo húp quanh, nợ trả dần” – GS Thơ ví von.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP mỗi năm. Tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước...có xu hướng sẽ gia tăng, vừa gây lãng phí tiền bạc của người dân vừa gây ra nhiều tác hại cho chính người sử dụng và người tiêu dùng nông sản, thực phẩm có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo GS Võ Tòng Xuân: “Sản phẩm an toàn là sản phẩm ít hóa chất tồn tại trong đó, nông nghiệp Việt Nam nên làm như các nước phát triển trên thế giới đang làm, ví dụ như ở Mỹ, khi trồng đậu nành họ đã không còn bón đạm, chỉ thêm lân và kali”.

img

Chè là một loại nông sản khá nhạy cảm với dư lượng thuốc BVTV,

khuyến khích canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: IT

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là tất yếu và để bắt kịp xu thế này của thế giới. Hiện nay, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển phân bón hữu cơ như hàng năm chúng ta có khoảng 40 triệu tấn rơm, rạ, cộng với 25 triện tấn phân chuồng, cùng với rất nhiều phụ phẩm khác như cám, bã thủy sản …có thể sản xuất ra từ 5 - 7 triệu tấn phân hữu cơ mỗi năm. Hiện có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76,6 nghìn ha. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. 

img

Nông sản Việt do các HTX nông nghiệp tại TP.HCM sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: HQ

Để tạo khung pháp lý đồng bộ trong hoạt động sản xuất, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và sẽ có hiệu lực thi hành từ 15.10.2018. Trong đó, ưu tiên áp dụng các chính sách đã ban hành cho phát triển nông nghiệp hữu cơ: Ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ được hưởng các chính sách về hỗ trợ: doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; gắn nhãn xanh Việt Nam, hỗ trợ cơ sở thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, còn một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ như: hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ đào tạo, tập huấn trong một số hoạt động sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN…