Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) vừa chính thức công bố thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận nguyên tắc sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào HDBank.
Theo đó, PGBank và HDBank có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin cũng như các trách nhiệm của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập theo quy định. Trong thời hạn 60 ngày, HDBank gửi Ngân hàng Nhà nước toàn bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận sáp nhập theo quy định. Nếu quá thời hạn, văn bản chấp thuận này sẽ hết hiệu lực thi hành.
Thương vụ sáp nhập "khủng" của ngành ngân hàng vừa đạt được bước tiến mới
Theo phương án sáp nhập đã được hai ngân hàng thông qua vào cuối tháng 4/2018, tỷ lệ hoán đổi dự kiến sẽ là một cổ phiếu PGBank đổi 0,621 cổ phiếu HDBank. Đóng cửa ngày 11/9, cổ phiếu HDB giao dịch tại mức giá 37.100 đồng.
Trước khi có ý định về “chung một nhà” với HDBank, PGBank đã từng có thời gian dài để đàm phán sáp nhập vào Vietinbank. Năm 2015, hồ sơ sáp nhập thậm chí đã được Đại hội cổ đông Vietinbank phê duyệt. Tuy nhiên, sau đó, thương vụ này đã bị hủy bỏ.
Sau khi sáp nhập hoàn tất, HDBank sẽ có quy mô vốn điều lệ 15.345 tỷ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 15.000 điểm giao dịch tài chính. Dự kiến thương vụ sáp nhập này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2018.
Theo báo cáo tài chính quý II năm 2018 của PGBank, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 28.859 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt gần 20.789 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của PGBank đến 30/6/2018 là 780 tỷ đồng, trong đó có 508 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn.
Đối với HDBank, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 191.293 tỷ đồng, cho vay khách hàng ở mức 120,34 ngàn tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của hai bên trong cuộc “hôn nhân” ngành ngân hàng này lên tới hơn 220 ngàn tỷ đồng.
Cũng theo kế hoạch được cổ đông thông qua hồi đầu năm 2018, HDBank dự kiến nâng tổng tài sản lên trên 242 ngàn tỷ đồng; huy động vốn hơn 222 ngàn tỷ; dư nợ cho vay hơn 154 ngàn tỷ đồng.
Bỏ ra cả trăm ngàn tỷ để thâu tóm Sabeco, doanh thu bán bia của Thaibev đã có những thay đổi mạnh.