Dân Việt

Đề nghị xóa đề xuất chủ công ty đòi nợ phải có bằng kinh tế, vốn 2 tỷ

Phương Linh 12/09/2018 20:55 GMT+7
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định buộc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn 2 tỷ đồng là chưa hợp lý và nên xóa bỏ.

Đây là nội dung văn bản vừa được VCCI gửi Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính – Bộ Tài chính góp ý “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Áp đặt thiếu hợp lý

Về điều kiện kinh doanh, dự thảo có quy định mức vốn điều lệ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng. Ban soạn thảo cũng không giải trình cụ thể về lý do và mục tiêu về việc yêu cầu mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

VCCI cho rằng điều kiện về vốn của hoạt động kinh doanh này là chưa phù hợp. “Không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định? Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? Không nhận thấy tác động đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng” VCCI nêu.

img

VCCI tỏ ra khó hiểu với quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn 2 tỷ.

Theo VCCI, những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên. 

Khoản tiền vốn mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ (đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng).

Đối với mục tiêu đảm bảo an ninh trật tự, VCCI cũng đưa ra cái nhìn, chưa có bằng chứng nào rõ ràng về việc những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế sẽ đảm bảo tuân thủ pháp luật về an ninh trật tự hơn là các doanh nghiệp không có tiềm lực kinh tế.

Qua đó, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo VCCI là chưa hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

Giám đốc phải có bằng kinh tế, quản lý: Nên hay không?

Ở hướng khác, một nội dung trước đó nhận được nhiều luồng ý kiến là điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Dự thảo vẫn kế thừa quy định hiện tại, tức là một trong những điều kiện là: người quản lý phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. 

Vấn đề này theo VCCI “cần xem xét lại”. Lý do là theo dự thảo, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ. Để có được Giấy chứng nhận này, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã phải đáp ứng các điều kiện đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự 

Trong nhiều trường hợp thì người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính là người quản lý/giám đốc của doanh nghiệp.

“Hơn nữa, từ góc độ hiệu quả quản lý, việc kiểm soát người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp đòi nợ sẽ hiệu quả hơn so với kiểm soát người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp. Như vậy, việc đặt điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh trong Nghị định này có lẽ là không cần thiết,  chồng lấn với quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP” VCCI nêu lý lẽ.

Do đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.