Dân Việt

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp tiết lộ cách Trung Quốc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

An Nhiên 14/09/2018 10:04 GMT+7
Trung Quốc được phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi từ đầu tháng 8/2018 với 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh với hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu huỷ. Vậy trong thời gian qua đất nước này đã ngăn chặn dịch bệnh này như thế nào?

Chia sẻ về việc Trung Quốc ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi như thế nào, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam tổ chức sáng nay (14/9), ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT cho biết: “Trung Quốc đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc đóng các cửa chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi địa bàn các tỉnh có bệnh; đồng thời thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3 km và vùng bảo vệ là 10 km; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ, kèm theo việc hỗ trợ tài chính với mức khoảng 115 USD/con lợn (không phân biệt lợn to nhỏ).

img

Trung Quốc được phát hiện có bệnh dịch tả lợn từ đầu tháng 8/2018 với 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh với hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu huỷ. Ảnh: IT

Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại hơn 23.000 địa điểm, bao gồm giám sát lâm sàng và chủ động lấy mẫu xét nghiệm của lợn chết, lợn bệnh. Kết quả, các cơ quan của Trung Quốc đã phát hiện được 120 mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi trong số hơn 9.900 mẫu xét nghiệm.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng, Trung Quốc đã chủ động xây dựng chiến lược phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trung và dài hạn (2012-2020); đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nước này cũng đã tăng cường năng lực chuẩn đoán, xét nghiệm; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kể cả các cán bộ thú y cơ sở để bảo đảm khả năng tự nhận diện và ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi; Xây dựng và ban hành Kế hoạch dự phòng đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi; Tổ chức thông tin, tuyên truyền và báo dịch chính xác, kịp thời;

Bố trí các nguồn lực phòng và chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; trang bị kiến thức và các nguồn lực cho hệ thống thú y các cấp; Diễn tập thực hành ứng phó và phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; Nghiên cứu chuỗi sản xuất, kinh doanh lợn và các sản phảm của lợn để chủ động giám sát, cảnh báo nguy cơ xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, nước này đã ban hành lệnh tạm dừng nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc (trừ sản phẩm ruột lợn muối đã qua công đoạn diệt vi rút dịch tả lợn châu Phi theo quy định của OIE); đồng thời tổ chức kiểm soát chặt hành lý của khách du lịch tại sân bay, cửa khẩu, cảng biển, sử dụng chó để phát hiện, mở hành lý kiểm tra nếu nghi ngờ; xây dựng, rà soát lại toàn bộ Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.