Kênh đào Bắc Crimea.
Suốt 4 năm qua, nguồn nước ngọt bị chặn vào Crimea từ Ukraine thông qua kênh đào Bắc Crimea đã ảnh hưởng nặng nề tới bán đảo này.
Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất là sự cố môi trường tại khu vực phía Bắc bán đảo này do phát thải axit từ nhà máy sản xuất titan.
Ukraine đã lên án Nga trong việc để xảy ra tình trạng nghiêm trọng đến sức khỏe và tài sản của người dân sống trên bán đảo Crimea.
Ngày 12/9, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin cho biết nước ngọt của Ukraine sẽ không bao giờ chảy đến “vùng lãnh thổ bị chiếm đóng” dưới hợp đồng cung cấp mà đối tác của Kiev là “Crimea thuộc Nga”.
Còn Thứ trưởng phụ trách các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine Yuri Grymchak trước đó đã nêu một số điều kiện để bán đảo này được hưởng nước ngọt từ kênh Bắc Crimea là: Nga phải công nhận Crimea là “vùng lãnh thổ chiếm đóng”.
Thứ hai là nếu có nguyện vọng Ukraine cấp nước ngọt cho Crimea thì "Nga phải gửi yêu cầu tới Ukraine và công nhận thực tế chiếm đóng Crimea. Nếu Moscow im lặng thì chẳng có gì để nói chuyện với nhau cả.
Sau khi Nga tuân thủ cả 2 điều kiện trên, hai bên mới có thể bàn bạc tiếp về chuyện "Nga sẽ trả bao nhiêu tiền cho việc cấp nguồn nước ngọt này".
Ukraine định cấp nước ngọt cho Crimea trước tình hình sự cố môi trường nhưng vẫn ra điều kiện.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 13/9 đã có tuyên bố đáp trả lại phía Ukraine, cho rằng bất cứ mối đe dọa nào từ phía Ukraine có liên quan tới cơ sở hạ tầng dân sự của người dân Crimea đều được coi là hành động “khủng bố quốc tế” theo luật của châu Âu.
Bà Zakharova cáo buộc Kiev dường như đã nỗ lực trong việc ngăn chặn cung cấp năng lượng cho Crimea trong nhiều năm qua nhằm khiến cho một số hoạt động liên quan tới cơ sở hạ tầng dân sự của Crimea bị đình trệ.
Bà Zakharova nhấn mạnh sẽ làm hết sức có thể để cung cấp điện năng và nước ngọt từ đất liền tới khu vực bán đảo. Đồng thời, nữ phát ngôn viên nhấn mạnh Ukraine phải dừng lại các hoạt động có thể gây ảnh hưởng tới bán đảo Crimea.
Trong khi đó, đại diện chính quyền Crimea thì gọi yêu cầu của Ukraine là "vô liêm sỉ" và "không thể chấp nhận được".
Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Crimea, ông Yefim Fiks nói: "Đó là thái độ trắng trợn và hèn hạ ở mức cao nhất, xuyên suốt toàn bộ hoạt động của chính quyền Kiev đối với Crimea trong những năm gần đây".
Theo chia sẻ của ông Fiks, các nhà chức trách Ukraine đã đưa ra một tối hậu thư tương tự cách đây vài năm, khi phong tỏa năng lượng cung cấp cho bán đảo.
"Khi đó, họ đề xuất khôi phục việc cung cấp điện với điều kiện phải công nhận Crimea là một phần của Ukraine. Nhưng người dân Crimea từ chối đề nghị này và chờ đợi thời điểm hoạt động của cầu năng lượng từ Kuban" - ông Yefim Fiks cho biết.
Chính quyền Ukraine trước thời điểm Crimea đòi sáp nhập bán đảo này vào Nga đã thực hiện những vụ phong tỏa về lương thực, vận tải, điện, nước.
Vị Phó Chủ tịch Quốc hội Crimea kiên quyết:"Trong trường hợp như hiện nay, Nga và Crimea sẽ tự tìm cách giải quyết đối với việc cấp nước ngọt".
Crimea sơ tán trẻ em ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi khí độc.
Vấn đề cung cấp nước ngọt cho Crimea trở thành vấn đề sống còn. Hiện nay khu vực phía Bắc bán đảo này vẫn đang trong quá trình ổn định sau khi nhà máy titan phát thải axit gây sương mù axit lưu huỳnh ở khu dân cư. Chính quyền cần nước ngọt để lọc các ảnh hưởng từ sương mù axit ảnh hưởng tới tài sản và cuộc sống người dân.
Nhà máy này sử dụng nguồn nước ngọt từ kênh đào Bắc Crimea để làm mát hệ thống lọc khí thải nhưng việc ngăn chặn kênh đào đã khiến công ty này không có nguồn nước để sử dụng.
Nhà máy titan ở Crimea đang bị yêu cầu đình chỉ hoạt động trong một thời gian để phản ứng với tình hình môi trường ở khu vực phía Bắc.
Điều chú ý hơn, dù bán đảo Crimea đã sáp nhập và trở thành một phần của Liên bang Nga nhưng công ty sản xuất titan này là công ty duy nhất trên bán đảo không bị quốc hữu hóa.
Công ty này không hủy việc đăng ký là doanh nghiệp Ukraine, đóng thuế ở Ukraine, mặc dù vẫn đóng thuế địa phương ở Crimea. Đây được cho là cách công ty này cố gắng tiếp tục nhận nguồn tiền cung cấp từ Ukraine, tránh bị trừng phạt sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea.
Ước tính có khoảng 4.000 người bao gồm cả trẻ em được sơ tán ra khỏi khu vực trước nỗi lo về khí độc ảnh hưởng tới sức khỏe.