Vừa qua, bệnh nhân Nguyễn Duy H. (19 tuổi, ngụ Đồng Nai) mắc viêm tụy cấp và tử vong sau khi điều trị 24 ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) .
Trao đổi với PV về căn bệnh này, các bác sĩ lưu ý, mọi người cần căn cứ vào những dấu hiệu sau để biết mình có bị viêm tụy cấp hay không.
ThS BS. Võ Ngọc Quốc Minh – Khoa Nội Tiêu hóa BV ĐH Y Dược TP.HCM, các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là sau khi uống bia rượu, từ 1 đến 3 ngày thì người bệnh đột ngột đau bụng dữ dội kèm theo nôn ói, ăn uống không được. Có một số trường hợp người bệnh chỉ bị đau nhẹ nên bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm là bị viêm dạ dày.
Bệnh viêm tụy cấp thường gặp ở những người uống rượu thường xuyên.
Cũng theo BS Minh, viêm tụy cấp thường gặp ở những người uống rượu thường xuyên. Có hai nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm tụy là do rượu bia và sỏi mật. Mức độ nặng của viêm tụy cấp có thể làm suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến tử vong. Do đó, người bệnh và gia đình không được chủ quan khi bị viêm tụy cấp.
Do đó, khi có các triệu chứng viêm tụy cấp kể trên cần phải nhập viện để điều trị, không nên điều trị ngoại trú hay ở các phòng khám. Bởi đáng lo ngại, bệnh có dấu hiệu đau gần giống đau dạ dày, tá tràng nên nhiều người chủ quan.
Đại tá - bác sĩ Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện 103, biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh nhân viêm tuỵ cấp là đau bụng, chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn thịnh soạn. Đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên. Bệnh nhân cũng có biểu hiện nôn và buồn nôn, thường xảy ra sau đau.
Khi thăm khám bác sĩ có thể thấy bụng chướng nhẹ, phản ứng thành bụng, không có co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột, gõ đục vùng thấp (dịch tự do ổ bụng), các dấu hiệu của nguyên nhân như tắc mật…
Theo bác sĩ Tiến, khi thăm khám lâm sàng có thể đưa ra chẩn đoán viêm tụy cấp lên tới 70-80%. Tuy nhiên, việc điều trị ban đầu vẫn là nội khoa bằng thuốc, truyền dịch chứ không phải một dạng cấp cứu khẩn cấp như thủng, vỡ nội tạng.
Theo các chuyên gia, viêm tụy cấp có thể gây hoại tử các tạng xung quanh. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, viêm tụy cấp có thể diễn biến thành hoại tử tụy, thường hoại tử tụy ít khi khu trú mà lan rộng do hiện tượng tự tiêu của tuyến tụy dưới tác động của các men tiêu protein và lipid được hoạt tác ngay trong lòng tuyến tụy.
Tiếp theo đó sẽ dẫn đến chảy máu tụy, thậm chí gây hoại tử tụy các tạng xung quanh như hoại tử mạch mạc treo gây chảy máu trong ổ bụng, gây thủng tá tràng, đại tràng... muộn hơn sẽ biến chứng thành áp xe tụy. Bệnh nhân tử vong do chảy máu, sốc nhiễm khuẩn.
Một nghiên cứu tại Mỹ phát hiện nước ép của trái mướp đắng có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư...