Ông Diệp Văn Thạnh (ảnh cổng thông tin điện tử Trà Vinh).
Tuy nhiên vị Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, ông chưa nhận được kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thi hành kỷ luật đối với ông Diệp Văn Thạnh.
Theo thông báo tại kỳ họp thứ 29, ông Diệp Văn Thạnh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Bí thư và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Trà Vinh các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Một trong những vấn đề được đặt ra tới đây chức vụ Chủ tịch UBND TP. Trà Vinh của ông này có bị xem xét, xử lý?
Theo một Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những trường hợp cán bộ đảng viên sau khi bị kỷ luật Đảng sẽ tiếp tục bị xem xét xử lý về mặt chính quyền (hành chính). Vị Ủy viên này dẫn chiếu, theo Quy định 30/2016 Thi hành chương VII và VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nêu rõ:
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại. Tổ chức Đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.
Những vụ việc trước, khi cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật trong Đảng, ngay sau đó các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý họ về mặt hành chính, như trường hợp mới đây của ông Trương Minh Tuấn. Ông Tuấn bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo về Đảng, sau đó Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo về mặt hành chính.
Trường hợp Đại tá Bùi Văn Thành, người từng là Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021, từng là Trung tướng, từng là Thứ trưởng Bộ Công an, do ông vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng nên đã bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng; sau đó Thủ tướng Chính phủ quyết định cách chức Thứ trưởng Bộ Công an; bị Chủ tịch nước giáng cấp hàm từ Trung tướng xuống Đại tá.
Theo TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đối với chức Chủ tịch UBND cấp thành phố trực thuộc tỉnh là do Hội đồng nhân dân thành phố bầu ra. Khi người giữ chức vụ này vi phạm khuyết điểm bị xử lý kỷ luật cách chức vụ trong Đảng thì chức vụ bên chính quyền cũng bị xem xét xử lý.
Về thẩm quyền xử lý, theo Luật tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, đình chỉ công tác, cách chức chức Chủ tịch UBND huyện (tổ chức bộ máy của thành phố trực thuộc tỉnh tương đương với cấp huyện). Luật cũng quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp huyện được bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm với các chức danh, trong đó có chức danh Chủ tịch UBND cấp huyện.