Dân Việt

Tin thế giới: Sợ mắc bẫy Nga, Nhật Bản thẳng thừng từ chối Putin

Lư Phổ Ân 17/09/2018 19:30 GMT+7
Nhật Bản lo ngại là Nga có được cái mong muốn là hiệp ước hoà bình thì sẽ không còn nhu cầu xử lý chuyện tranh chấp. Khi ấy, Nhật Bản đâu có khác gì mất cả chì lẫn chài.

img

Tổng thống Nga V. Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) năm nay ở Vladivostock (Nga), tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp nhau. Hai người này có nhiều chuyện để bàn thảo với nhau, chuyện quan hệ hợp tác song phương, chuyện chính trị thời sự khu vực và thế giới. Lần gặp nhau của họ mà chẳng như thế. Cho nên, thiên hạ để ý đến nhiều hơn cả là việc ông Putin đưa ra đề nghị ký kết hiệp ước hoà bình với Nhật Bản một cách vô điều kiện.

Ông Putin cho rằng hiệp ước hoà bình ấy là cơ sở thuận lợi và thích hợp để Nga và Nhật Bản có thể xử lý ổn thoả và dứt điểm mọi trắc trở trong quan hệ song phương dai dẳng đã từ hơn 7 thập kỷ nay. Ông Abe thì không nhưng người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản thì đã bác bỏ ngay đề nghị mới này của ông Putin và khẳng định lại quan điểm của chính phủ Nhật Bản là phải xử lý ổn thoả và dứt điểm mọi vướng mắc lâu nay trong quan hệ song phương trước rồi mới tính đến việc ký kết hiệp ước hoà bình giữa hai bên.

Việc ký kết hiệp ước hoà bình được đặt ra bởi Nhật Bản và Liên Xô trước đây đã từng ở trong tình trạng có chiến tranh với nhau, vì thế, quan hệ giữa hai bên chỉ có thể được coi là bình thường khi tình trạng chiến tranh được chính thức chấm hết bằng ký kết hiệp ước hoà bình. Hơn 70 năm qua, một hiệp ước như thế hai nước vẫn chưa có được với nhau, không phải vì bên này hay bên kia hoặc cả hai phía không mong muốn, mà vì họ đều không thể hoặc chưa thể. Nguyên do là giữa hai bên có cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với 4 hòn đảo trong quần đảo Kuril.

Với đề nghị mới nói trên, ông Putin tiếp cận theo cách ngược với xưa nay là dùng hiệp ước hoà bình để giải quyết cuộc tranh chấp này. Ở đây cũng còn hàm ý của ông Putin là quan hệ giữa Nga và Nhật Bản còn rộng lớn hơn và quan trọng hơn chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và muốn thoát khỏi bế tắc lâu nay thì phải tiếp cận giải pháp theo cách khác hẳn so với lâu nay.

Phía Nhật Bản bác bỏ đề nghị này của ông Putin vì ba lý do chính.

Thứ nhất, chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nga vô cùng nhạy cảm về chính trị nội bộ ở Nhật Bản nên tất cả các chính trị gia và mọi đảng phái chính trị xưa nay đều luôn phải rất thận trọng và không dám tỏ ra nhượng bộ hay yếu thế trước Nga. Vì nhạy cảm về chính trị nội bộ nên chuyện này luôn là chủ đề nội dung tranh cử rất quyết định ở Nhật Bản. Nó buộc các đảng phái chính trị và chính trị gia ở Nhật Bản luôn hành xử theo phương châm "duy trì cuộc tranh chấp còn hơn là giải quyết được cuộc tranh chấp nhưng bất lợi cho Nhật Bản". Đối với Nhật Bản và cá nhân ông Abe, giải pháp cho cuộc tranh chấp này chỉ có thể là nhận về 4 hòn đảo liên quan.

Thứ hai, phía Nhật Bản lo ngại "mắc bẫy Nga", tức là khi có hiệp ước hoà bình giữa hai bên rồi thì Nga càng không còn sẵn sàng giải quyết chuyện tranh chấp lãnh thổ này với Nhật Bản. Hay nói theo cách khác, Nhật Bản lo ngại là Nga có được cái mong muốn là hiệp ước hoà bình thì sẽ không còn nhu cầu xử lý chuyện tranh chấp. Khi ấy, Nhật Bản đâu có khác gì mất cả chì lẫn chài.

Thứ ba, Nhật Bản lo ngại nhượng bộ Nga sẽ tạo tiền lệ bất lợi cho Nhật Bản bởi giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ dai dẳng nhiều thập kỷ nay chưa được giải quyết.

Năm 1855, nước Nga và Nhật Bản thoả thuận phân chia quần đảo Kuri. Bốn hòn đảo kia được chia cho Nhật Bản. Sau chiến tranh thế giới thứ 2 trong thế kỷ trước, bốn hòn đảo này thuộc quyền quản lý của Liên Xô. Năm 1956, Liên Xô đồng ý giao cho Nhật Bản 2 trong số 4 hòn đảo ấy nhưng Nhật Bản không chịu mà đòi được cả 4. Bây giờ, việc có được hai đã gần như không tưởng chứ chưa nói đến được cả 4. Vì thế, việc duy trì cuộc tranh chấp càng thêm quan trọng đối với Nhật Bản. Với đề nghị mới nói trên, ông Putin thể hiện thiện chí thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Thiện chí ấy được phía Nhật Bản ghi nhận nhưng chưa thể đủ để hai bên khắc phục được cuộc tranh chấp này.