Tại xứ sở chè Thái Nguyên, chè từ hạng trung đến đầu bảng có giá chênh lệch khá lớn. Chè hạng trung chỉ có giá vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/1kg. Loại đặc biệt mà rất hiếm người dân bình thường dám pha một ấm để uống, đó là Nhất đinh trà (chè Đinh) thì có giá hàng triệu đồng/kg.
Người dân tại đây cho biết, Nhất đinh trà được cụ Trần Văn Thái, một nghệ nhân làm trà ở đất chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên sáng tạo ra. “Để sao được 1kg chè Nhất đinh, phải tiêu tốn khoảng 20 công sức của người lao động đi hái cả ngày. Sau khi đã hái những búp chè vừa mới hé thì công việc sao chè trải qua rất nhiều công đoạn. Người sao chè không chỉ sao bằng đôi tay, mà phải có cả cái tâm, cái tài và giác quan nhạy bén” – cụ Tước, một người sao chè Đinh cho biết.
Theo các nghệ nhân chè Tân Cương, để làm ra 1kg Nhất đinh trà, phải tốn khoảng 3 sào chè trên 5 năm tuổi.
Theo lời cụ Tước, chè Đinh là loại chè được thu hái trên những vườn chè gieo bằng hạt, có tuổi đời từ 5 năm trở lên, được chăm sóc theo cách đặc biệt và cấm kỵ với việc sử dụng chế phẩm hóa học. Khi hái chè, phải đón được những ngày không nắng gắt hoặc mưa. Chè được hái xong cho vào sọt mang về nhà rồi trải ra nong một cách nhẹ nhàng, tránh làm dập, gẫy và không được để quá 3 tiếng đồng hồ.
“Khi búp chè con ngậm chặt, nhọn hoắt như một chiếc đinh, người hái chè sẽ hái về và sao lên. Người sao ngoài cái tâm, cái tài còn phải có giác quan cực kỳ nhạy bén để những cánh trà khi sao lên phải nhỏ xíu, xoắn tít” – cụ Tước nói.
Trà chỉ được chọn các búp đang còn ngậm chặt vào những ngày nắng nhẹ, không mưa.
Ngày xưa, các cụ sao chè Đinh chỉ dùng duy nhất một loại củi là gỗ nghiến. Nhưng giờ ngỗ nghiến đã cạn kiệt, nên phải dùng gỗ bạch đàn. Người không biết, chỉ cần cho một thanh gỗ xoan vào là coi như mẻ chè bị hỏng.
“Búp chè đưa vào tôn quay sao lần 1 để dệt men, lần sao đầu này chè sẽ dẻo như sợi bún, sau đó dỡ chè ra vò bằng tay để tạo vân chè cũng là để làm dập búp chè một cách vừa đủ. Sau lần một, chè tiếp tục được đưa vào tôn để quay tiếp đến khi khô, giòn và có thoang thoảng hương cốm. Phải đến lần thứ 3 là đánh mốc, tạo hương thì những nhánh Đinh trà đã hoàn thành, thơm phức.”, một người sao chè Đinh cho biết thêm.
Tốn đến 20 công người hái trong 1 ngày mới có thể đủ để sản xuất 1kg Nhất đinh trà.
Cánh trà sau khi đã được sao thành phẩm có màu đen, nhỏ như chiếc đinh guốc và đặc biệt phải có vân xoắn theo chiều từ dưới lên ngọn. Mỗi 1kg Nhất đinh trà pha được khoảng 60 lít nước, cao gấp 3 lần so với trà bình thường.
Trên thị trường trà Đinh hiện nay ở Hà Nội, giá cho 1kg không dưới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai có tiền cũng như am tường về trà Đinh đều có thể mua được.
Chị Thắm, một trong những người bán trà Đinh ở Tân Cương cho biết, mỗi tháng chị bán ra khoảng 6-8kg với giá 3-4 triệu đồng/1kg. Tuy nhiên, cũng có lúc khách hàng đặt tiền trước cả tháng trời nhưng không có để bán.
Trong nhiều tài liệu ghi chép về nghề làm chè thì trà Đinh được liệt vào hàng quý tộc, không phải ai có tiền cũng có thể tìm mua được loại Nhất đinh trà này. Nhiều người đồn đoán rằng, loài trà này có khả năng chữa ung thư, chống lão hóa. Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu hay nghiên cứu nào chứng minh điều này.
Khi nấu chín, chúng có màu đỏ giống như son, hương thơm khác lạ và mùi vị cực ngon.