Dân Việt

Mây tre đan Xuân Hội xuất ngoại

31/01/2013 08:03 GMT+7
(Dân Việt) - Nghề mây tre đan xuất khẩu ở thôn Xuân Hội (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) đang thu hút hơn 700 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động làm thêm tại các hộ gia đình. Mây tre đan đã đem lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Đức Lập- Chủ tịch Hội ND xã Lạc Vệ cho biết: “Toàn xã có 3.354 hộ sinh sống trên địa bàn của 6 thôn. Trong đó 40-50% số lao động làm nghề mây tre đan, tập trung ở thôn Xuân Hội. Thu nhập của mỗi lao động từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng”.

img
Thu nhập từ nghề mây tre đan trở thành nguồn thu chính của gia đình chị Nguyễn Thị Mến.

30% GDP của xã từ mây tre đan

Theo ông Lập, hầu hết người dân Xuân Hội đều biết làm mây tre đan. Cha anh truyền nghề cho con cháu... Đã có thời kỳ nghề mai một, nhưng với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và người dân địa phương, những năm 1990 nghề được khôi phục và phát triển trở lại. Xã hiện có 1 công ty và 2 HTX làng nghề. Nguồn thu từ nghề mây tre đan đóng góp khoảng 30% GDP toàn xã. Sản phẩm chủ yếu là các loại giỏ tích, lẵng hoa, lọ hoa, các sản phẩm gia dụng… Hiện các sản phẩm của người dân Xuân Hội đã được bán sang Nga, Đài Loan, Ukraina, Hàn Quốc...

Để giúp người dân nâng cao tay nghề và sản xuất ổn định, năm 2012, Hội ND xã Lạc Vệ phối hợp cùng Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Quyết tổ chức được 17 lớp dạy nghề tại địa phương và thành lập các tổ sản xuất. Các tổ này đứng ra thu gom sản phẩm, lo đầu ra cho các mặt hàng.

Ông Đặng Ngọc Hùng - Bí thư chi bộ thôn Xuân Hội cho biết: Nếu như trước đây cả thôn chỉ có vài chục lao động làm mây tre đan, thì hiện nay nghề này đã thu hút hơn 700 lao động thường xuyên, chưa kể các lao động thời vụ.

Về quê khôi phục nghề truyền thống

Chúng tôi tới thăm Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Quyết. Ông Đặng Ngọc Quyết - Giám đốc Công ty cho biết: “Trước 2009, tôi đi buôn than ở Quảng Ninh. Mỗi dịp về thăm nhà thấy dân quê mình cuộc sống còn khó khăn, mà thời gian nhàn rỗi nhiều, sẵn hiểu biết về nghề truyền thống của cha ông, tôi quyết định bỏ làm ăn xa về quê khôi phục lại nghề truyền thống”.

Ông Nguyễn Đức Lập - Chủ tịch Hội ND xã Lạc Vệ cho biết: Mục tiêu của xã là phát triển làng nghề Xuân Hội hướng tới các sản phẩm có kỹ thuật cao, tạo được những mẫu mã riêng phục vụ cho du lịch; làm dụng cụ văn phòng, dụng cụ sinh hoạt gia đình...

Cùng với 9 người bà con sống trong thôn, ông Quyết thành lập HTX mây tre đan. Đến tháng 8.2011, ông thành lập Công ty Mây tre đan xuất khẩu với 1.500 lao động tại các hộ gia đình trên địa bàn 4 huyện (Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong) và hơn 20 lao động thường xuyên tại công ty.

Ông Quyết cho hay, lao động làm việc tại công ty chủ yếu làm các công đoạn hoàn thiện sản phẩm như giũ keo, quét dầu bóng… cho các sản phẩm thô được sản xuất tại các hộ gia đình chuyển đến. Nghề này có thể làm bất kỳ thời gian nào trong ngày, có thể tranh thủ thời gian nông nhàn làm tại nhà. Mỗi ngày, 1 lao động vững tay nghề có thể làm được 40 lọ cắm hoa cỡ nhỏ, giá bán cho công ty 3.200 đồng/sản phẩm, trừ chi phí ngày công còn khoảng 100.000 đồng. Riêng công ty, những dịp cao điểm doanh thu tới 700- 800 triệu đồng/tháng.

Không chỉ người trong độ tuổi lao động mà cả người già, học sinh cũng có thể tham gia làm nghề. Chị Nguyễn Thị Mến (44 tuổi) ở thôn Xuân Hội cho hay: “Hơn 2 năm nay, tôi và con trai đang học lớp 8 nhận nguyên liệu về đan tranh thủ buổi tối, trung bình mỗi tháng được 3 triệu đồng, trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình”.