An sinh xã hội cho mọi người
Phát biểu khai mạc Hội nghị sáng 18.9, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phát biểu khai mạc, nhiệt liệt chào mừng các nhà lãnh đạo, các tổ chức thành viên ASSA đã đến dự hội nghị ASA 35. ASSA 35 có sự tham gia của hàng trăm đại biểu đại diện 20 tổ chức thành viên thuộc 10 quốc gia Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự hội nghị
Theo bà Minh, hiện nay, hệ thống an sinh xã hội (ASXH) ASEAN đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những cơ hội và thách thức, do tác động lan tỏa từ CMCN 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển lao động trong khu vực, đòi hỏi ASSA cần có cách tiếp cận sáng tạo, tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ của các tổ chức thành viên. Đồng thời, liên kết hiệu quả, tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh của cả Hiệp hội, vì sự nghiệp ASXH bền vững cho mọi người dân trong Cộng đồng ASEAN.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu khai mạc hội nghị
“Tôi hy vọng, Hội nghị ASSA 35 sẽ bàn thảo và thành công với chủ đề “Cơ hội, thách thức của các tổ chức ASXH khu vực ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và tự do dịch chuyển lao động” - bà Minh nói.
Ông Suradej Waleeittikul- Tổng Thư ký Cơ quan ASXH Thái Lan, Chủ tịch ASSA đương nhiệm cho biết, sau hai thập kỷ hình thành và phát triển, ASSA đã trở thành một diễn đàn hợp tác đa phương về ASXH hàng đầu khu vực, có vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, với việc phát triển của công nghệ thông tin và sự dịch chuyển lao động tự do ngày càng lớn hiện nay trong khu vực và thế giới đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các tổ chức ASXH xây dựng hệ thống chính sách, mạng lưới bảo hiểm của mình.
Trong 2 ngày, các đại biểu sẽ cùng thảo luận về chủ đề "Cơ hội và thách thức của các hệ thống ASXH khu vực ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0 và tự do dịch chuyển lao động".Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh cùng các đại biểu
Cơ hội đầy thách thức
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định, CMCN 4.0 với trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật… sẽ mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại- thời đại số được dự báo tác động mạnh mẽ lên mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Đây chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách, phát triển đất nước và các tổ chức ASXH.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Cũng vì vậy, theo Phó Thủ tướng, cần có các giải pháp để các quốc gia khác nhau đều có cơ hội để vươn lên, không xa rời mục tiêu con người là trung tâm của quá trình phát triển. Nhận thức sâu sắc điều này, Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm cao độ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, phát triển hạ tầng thông tin, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số, với trung tâm là con người, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
TS.Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, với CMCN 4.0, từ góc độ tiêu dùng và giá cả, mọi người đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được nhiều sản phẩm và dịch vụ mới chất lượng cao, chi phí thấp hơn. CMCN 4.0 đã tác động tích cực đến lạm phát toàn cầu nhờ các đột phá về công nghệ, giúp tiết kiệm đáng kể các yếu tố đầu vào và giúp giảm mạnh áp lực chi phí.
Tuy nhiên, song song đó cũng phải đối mặt với phân hóa xã hội, bất bình đẳng kinh tế, rủi ro tăng. Đặc biệt, rủi ro an ninh mạng và thách thức trong lĩnh vực ASXH là 2 vấn đề lớn- khi nhiều ngành cũ mất đi, kéo theo việc làm mất đi, thu nhập lao động giảm và nhiều ngành mới xuất hiện, tạo cơ hội việc làm và thu nhập mới, nhưng cũng đòi hỏi những năng lực mới.
“Theo dự báo, trong 2 thập niên tới, 56% lao động tại 5 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) sẽ đối mặt nguy cơ mất việc làm. Có 86% lao động dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ mất việc vì robot… Do đó, việc nhanh chóng tận dụng cơ hội, vượt lên những thách thức đòi hỏi sự nhạy bén, bản lĩnh. Nếu đi đúng hướng và bắt đúng nhịp, CMCN 4.0 sẽ tạo cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển” – TS Trần Đình Thiên nói. |