Tên lửa S-400 Nga triển khai tại Syria. Ảnh: Reuters.
Bộ Quốc phòng Nga hôm qua xác nhận trinh sát cơ Il-20 cùng 15 thành viên tổ bay bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ do nhầm lẫn, nhưng khẳng định Israel phải chịu trách nhiệm về sự cố này và dọa áp dụng biện pháp đáp trả tương xứng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó tuyên bố sự cố này là "một chuỗi tình huống bi thảm tình cờ xảy ra", nhấn mạnh Moskva sẽ nghiêm túc xem xét vấn đề và ưu tiên tăng cường an ninh cho quân nhân Nga tại Syria. Giới chuyên gia nhận định động thái này cho thấy Nga không muốn đẩy cao căng thẳng, nhưng sẽ tìm cách "trói cánh", không để tiêm kích Israel tự do hoạt động trên không phận Syria như trước đây, theo Drive.
Theo chuyên gia quân sự Joseph Trevithick, Nga từ trước tới nay "nhắm mắt làm ngơ" cho Israel tiến hành các cuộc không kích nhắm vào lực lượng thân Iran trên lãnh thổ Syria, bởi xác định việc ngăn chặn ảnh hưởng của Tehran là lợi ích quốc gia của Tel Aviv.
Tuy nhiên, tiêm kích Israel trước đây thường chỉ tập trung không kích các mục tiêu ở tây bắc Syria và gần cao nguyên Golan ở phía nam, hiếm khi phóng tên lửa vào tỉnh Latakia, nơi có căn cứ quân sự Hmeymim của Nga, như trong vụ tấn công hôm 17/9.
Việc trinh sát cơ Il-20 Nga bị phòng không Syria bắn nhầm khi đánh trả tiêm kích Israel có thể sẽ thay đổi hiện trạng này. Đây được coi là một "cái tát" của Israel vào mặt Nga, nên dù Tổng thống Putin không muốn gây thêm căng thẳng, Moskva chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế hoạt động trên không của Tel Aviv.
Quân đội Nga có thể lập các vùng cấm bay với không quân Israel, hoặc ít nhất là gây khó khăn cho việc lên kế hoạch không kích của Tel Aviv. Nga đang triển khai một số tổ hợp tên lửa phòng không S-300, S-400 tại căn cứ không quân Hmeymim và quân cảng Tartus để bảo vệ các mục tiêu chiến lược này, và chúng đều là những lá bài có thể được Moskva sử dụng để gây sức ép với Tel Aviv.
Các tổ hợp tên lửa hiện đại này được Nga triển khai đến Syria sau khi cường kích Nga bị tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi năm 2015. Sự xuất hiện của chúng được cho là đã khiến các tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ khi cất cánh từ căn cứ Incirlik liên tục bị bám bắt, buộc các phi công phải hạn chế hoạt động trong một thời gian dài.
Nga hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp này với tiêm kích Israel, đặt các phi công F-16I vào tình trạng căng thẳng mỗi khi tiến vào không phận Syria và không thể tự do tác chiến như trước. Điều này có thể buộc Israel thận trọng hơn khi tấn công các mục tiêu gần căn cứ không quân Hmeymim hoặc quân cảng Tartus.
Moskva cũng có thể cân nhắc tiến hành hoạt động "trả đũa ngầm", như làm ngơ để dân quân Hezbollah thân Iran tập kết dọc biên giới Syria với Israel, cũng như không ngăn cản quân đội Syria xâm nhập vùng phi quân sự ở cao nguyên Golan.
Biện pháp này có tính khả thi cao, đặc biệt trong bối cảnh có thông tin cho rằng Israel đã hỗ trợ các nhóm phiến quân nổi dậy ở miền nam Syria trong nhiều năm. Nga lâu nay vẫn coi các lực lượng nổi dậy do Mỹ và đồng minh hậu thuẫn là khủng bố.
Sau thảm kịch chiếc Il-20 bị bắn rơi, Nga và Israel có thể ký một thỏa thuận giảm xung đột trong hoạt động tác chiến ở chiến trường Syria. Tuy nhiên, sự cố này cho thấy tình hình trên thực địa có thể nhanh chóng thay đổi, gây nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột lớn trong khu vực.
"Nga đã chọn cách giảm mức độ nghiêm trọng của sự cố để tránh gây leo thang xung đột. Tuy nhiên, nước này chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó trước các cuộc không kích của Israel trên lãnh thổ Syria trong tương lai", chuyên gia Trevithick nhấn mạnh.