Dân Việt

Phó Chủ tịch QH: "Đồng tiền, bát gạo của dân không thể buông lỏng"

Ngọc Lương 20/09/2018 14:26 GMT+7
Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, các khoản chi phải có dự toán, được sự quyết định của cơ quan có thẩm quyền và "ngân sách phải được quản lý và giám sát chặt chẽ. Đồng tiền bát gạo của dân không thể buông lỏng".

img

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu góp ý (ảnh quochoi.vn)

Sáng nay (20.9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật được mở rộng nên Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, sau hơn 3 năm thực hiện, một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Dự án Luật đưa ra 3 nhóm, trong đó có nhóm chính sách về quản lý dự án, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết.

Dự thảo Luật cũng đề xuất điều chỉnh phân loại dự án, trong đó, đối với dự án quan trọng quốc gia, tiếp thu ý kiến các cơ quan, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công lên 35.000 tỷ đồng (hiện nay đang là 10.000 tỷ đồng); đồng thời điều chỉnh tiêu chí dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư theo hướng không quy định đối với dự án thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt, sửa đổi, bổ sung tiêu chí về mức độ “tuyệt mật” đối với dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, các dự án nhóm A, B, C...

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Nguyễn Đức Hải cho biết, tính cụ thể của dự thảo cũng chưa cao. Trong số 106 điều luật thì có đến gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn, trong đó nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn. Về đề xuất dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, Tờ trình của Chính phủ mới chỉ nêu mức này tương đương 0,6% GDP mà chưa đưa ra cơ sở điều chỉnh, đánh giá tác động nên chưa đủ căn cứ.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện cũng nêu quan điểm cho rằng về nguyên tắc, chi tiền của dân thì phải xin phép cơ quan dân cử. Việc căn cứ vào GDP để nâng tiêu chí dự án phải trình Quốc hội, UBTVQH là chưa hợp lý. Điều quan trọng là cần căn cứ vào năng lực của cơ quan thẩm định, cho phép và khi số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày càng cao, có đủ năng lực và thời gian thì đáng ra số vốn được quy định phải trình càng giảm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, các khoản chi phải có dự toán, được sự quyết định của cơ quan có thẩm quyền và "ngân sách phải được quản lý và giám sát chặt chẽ. Đồng tiền bát gạo của dân không thể buông lỏng".

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật đầu tư công có khó khăn, nhưng bất cập trong Luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn do tổ chức thực hiện Luật đầu tư công chưa nghiêm. “Không phủ nhận việc luật đầu tư công còn một số vấn đề bất cập cần sửa nhưng nếu đổ thừa hết do Luật thì không đúng. Lần họp tới của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tôi sẽ cung cấp để thấy triển khai Luật Đầu tư công không được là do triển khai thực hiện chứ không phải do Luật”, Chủ tịch Quốc hội nói.