Từ “Chúa Chổm” đến ông chủ ngân hàng
Bắt đầu sự nghiệp vào năm 1993, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã dấn thân vào thương trường bằng việc thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T, chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông với mức vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng.
Trong 3 năm đầu làm ăn khá thuận lợi, T&T trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm điện tử, điện lạnh của các thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản. Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhanh chóng. Thế nhưng kể từ năm 1995-1998, doanh nghiệp của bầu Hiển bắt đầu rơi vào khủng hoảng.
T&T Group nay đã trở thành một tập đoàn đa lĩnh vực.
Theo lời của vị Chủ tịch T&T, năm 1998, thị trường Việt Nam bị tuồn vào khối lượng rất lớn hàng điện tử, điện lạnh… dưới dạng trốn, lách thuế và bán giá rất rẻ. Không bán được hàng, nợ thuế của T&T tại thời điểm này lên tới 7 tỷ đồng, một khoản tiền vô cùng lớn lúc bấy giờ, thậm chí lúc bấy giờ ông được coi là “Chúa Chổm” trong giới kinh doanh. Thời gian khủng hoảng kéo dài 3 năm, T&T đang từ số 1 trở nên trắng tay với gánh nặng nợ thuế và áp lực vô cùng.
Với sự kiên trì, khó khăn đối với T&T cũng qua đi và cơ hội mới lại mở ra. Khi T&T đã trở lại vững vàng trên thị trường điện tử, điện lạnh, bầu Hiển bắt đầu tính chuyện tấn công sang thị trường xe máy với dự liệu trước sự phát triển của một mảng thị trường nhiều tiềm năng sắp bùng nổ sau chủ trương nội địa hoá của Chính phủ.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành "cơn sốt" của gần 60 doanh nghiệp. Cạnh tranh khốc liệt, khó khăn liên tiếp ập đến. Khó khăn này lại là tiền đề cho sự ra đời của nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ và phụ tùng xe máy đạt tỷ lệ nội địa hóa với quy mô lớn trên 80% của riêng T&T tại Hưng Yên với số vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD. Và nước cờ đó đã đưa T&T vượt qua giông bão, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động.
Ngân hàng SHB chính là bệ đỡ tài chính cho các công ty trong hệ sinh thái T&T. (Ảnh: I.T)
Năm 2006, bầu Hiển bắt tay vào kinh doanh một lĩnh vực hoàn toàn mới, đó là tài chính ngân hàng với cái tên Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, tiền thân của ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB). SHB được thị trường ghi nhận và đánh giá như một ngân hàng năng động, có tốc độ phát triển thần tốc nhưng minh bạch, hiệu quả, an toàn, và bền vững. Nay SHB đã trở thành 1 trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cũng là lãnh đạo ngân hàng duy nhất được vinh danh doanh nhân châu Á vào cuối năm 2017.
Những tham vọng còn bỏ ngỏ...Tập đoàn T&T từng có thời điểm công bố thông tin kết hợp với "Chúa đảo" Tuần Châu - ông Đào Hồng Tuyển triển khai dự án “The Long Chau” được công ty T&H Hạ Long phát triển hồi năm 2008. Dự án là tổ hợp hoàn chỉnh bao gồm khu biệt thự, sân golf 18 lỗ, bên du thuyền, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại quốc, khu vui chơi giải trí và căn hộ cao cấp diện tích 300 ha tại đảo Tuần Châu. Tổng mức đầu tư dự án 5.000 tỷ đồng.
Phối cảnh dự án The Long Chau theo như báo cáo của T&T Group. (Ảnh: I.T)
Tuy nhiên đến năm 2011 đảo Tuần Châu được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch, không còn thấy dấu vết của hình ảnh con rồng như trong công bố thông tin của T&T. Đồng thời cũng kể từ đó, người ta không còn thấy Tập đoàn T&T đăng tải bất cứ thông tin nào về dự án Long Châu nữa.
Cuối năm 2017, bầu Hiển cũng được đồn đoán là sẽ thâu tóm dự án Sunrise Bay tại Đà Nẵng. Dự án được quy hoạch trên diện tích 235 ha, năm 2008 được giao cho Công ty TNHH Deawon Cantavil làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện.
Khu đô thị lấn biển này khi đó được nhà đầu tư Hàn Quốc này khởi công xây dựng và kỳ vọng làm thay đổi diện mạo thành phố, với khu phức hợp khách sạn, văn phòng 60 tầng, sân golf 18 lỗ, trung tâm hội nghị, các trung tâm thương mại, villa cao cấp và chung cư với quy mô 8.500 căn hộ… Cho đến nay, dự án vẫn chưa ghi nhận bất kỳ động thái chính thức nào từ phía T&T.
Lĩnh vực hạ tầng giao thông T&T cũng không bỏ qua. Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư tuyến số 4 đoạn Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà dài 54 km theo hình thức hợp đồng BT.
Cũng phải nói thêm rằng, việc thâu tóm các doanh nghiệp Nhà nước làm nông nghiệp chính là phong cách đầu tư mà công ty của bầu Hiển trong vài năm trở lại đây. Giai đoạn 2015 – 2016, Công ty đã “vung tiền” mua lại một loạt doanh nghiệp Nhà nước như sở hữu 98% CTCP Cảng Quảng Ninh với giá 490 tỷ đồng; hay trở thành cổ đông chiến lược tại Bệnh viện Giao thông vận tải (chi 119 tỷ đồng), Bia Việt Hà, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor – gần 1.420 tỷ đồng) và Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco – 430 tỷ đồng).
T&T cũng mua 50% Công ty xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội) – đơn vị thành viên của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), một công ty kinh doanh nông sản (cà phê, chè, sắn…). Gần đây nhất, T&T hợp tác với các đối tác đến từ Israel thành lập thương hiệu nông sản an toàn công nghệ cao mang tên T.Vita...
Hiện T&T có quy mô tổng tài sản lên tới 15.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mức vốn điều lệ ban đầu. Câu hỏi đặt ra là bầu Hiển có đang thực sự chơi lớn ở lĩnh vực nông nghiệp? Tuy nhiên đối với một tập đoàn kinh doanh đa ngành như T&T, việc bỏ hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư có lẽ không chỉ đơn thuần với một mục đích.
Đam mê bóng đáSẽ là thiếu sót nếu như nhắc đến Tập đoàn T&T của bầu Hiển mà không nhắc đến thể thao, đặc biệt là bóng đá. Ông Hiển được đồn đoán là đang đứng sau tới 5 đội bóng đang chơi tại V-League gồm Hà Nội T&T (nay đổi tên thành CLB bóng đá Hà Nội), SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam, Sài Gòn, Than Quảng Ninh.
Hai cái tên giàu truyền thống nhất là CLB bóng đá Hà Nội và SHB Đà Nẵng, CLB mới nổi khác QNK Quảng Nam chính là đương kim vô địch V-League 2017.
Người yêu bóng đá chắc chắn sẽ không bao giờ quên chức vô địch AFF Cup năm 2008 với lứa cầu thủ Công Vinh, Hồng Sơn; hay mới đây là chiến công của U23 Việt Nam của lứa Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy...