Dân Việt

Sáp nhập xã, phường: Thận trọng, không máy móc!

Thành An 22/09/2018 06:00 GMT+7
Loạt bài “Khó khăn chồng chất khi sáp nhập xã, phường” Dân Việt đã đăng tải phản ánh những vướng mắc mà nhiều địa phương gặp phải trong việc triển khai và chuẩn bị triển khai đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Sau khi đăng tải, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý xác đáng. PV đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) về những vấn đề loạt bài đặt ra.

Ông có thể cho biết lộ trình thực hiện đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 cụ thể ra sao, thưa ông?

- Dự thảo đề án được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 1211/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, sẽ tiến hành sắp xếp với mục tiêu đến năm 2021 thu gọn hợp lý đơn vị hành chính  (ĐVHC) cấp huyện, xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Tiếp đó, từ năm 2022 - 2030 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các ĐVHC cấp huyện, xã theo quy định.

Dựa vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, số lượng ĐVHC huyện và cấp xã theo Nghị quyết 1211, có 259 huyện, 6.191 xã trong cả nước chưa đạt 50% tiêu chuẩn. Các ĐVHC cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn sẽ phải sắp xếp lại.

Theo lộ trình, trong năm 2018, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xây dựng xong đề án đồng thời, rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách đối với những người chịu tác động trực tiếp của quá trình sắp xếp ĐVHC. Tiếp đó, năm 2019, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho việc xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện và cấp xã, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư. Đến năm 2020 sẽ phải hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt tiêu chuẩn. Năm 2021, tổng kết và xây dựng đề án tổng thể sắp xếp từ năm 2022-2030.

img

 Nếu sáp nhập xã phường, một số thủ tục, giấy tờ hành chính sẽ phải thay đổi (ảnh minh họa). ảnh: Thành An

Mỗi địa phương lại có những đặc thù riêng. Nếu chỉ xét trên hai tiêu chí diện tích và dân số liệu có phù hợp không,

"Khi một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có một trong hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên hoặc dân số không đạt 50% theo quy định, nhưng tiêu chuẩn còn lại đạt từ 150% theo quy định trở lên thì chưa xem xét việc sắp xếp, sáp nhập".

Ông Phan Văn Hùng 

thưa ông?

- Nguyên tắc sắp xếp ĐVHC là phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương; thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Trong đó, ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một ĐVHC  cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào một ĐVHC  cùng cấp liền kề.

Tuy nhiên, khi thực hiện sáp nhập, không nhất thiết ĐVHC mới phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số nhưng sau khi sáp nhập thì phải đạt trên 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số. Khi một ĐVHC  cấp huyện, xã có một trong hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên hoặc dân số không đạt 50% theo quy định, nhưng tiêu chuẩn còn lại đạt từ 150% theo quy định trở lên thì chưa xem xét sắp xếp.

Khi thực hiện sắp xếp Bộ sẽ tính đến các yếu tố đặc thù của từng địa phương, yếu tố vùng miền, gắn với đặc điểm đô thị, nông thôn, biên giới, hải đảo chứ không máy móc.

Một số ý kiến cho rằng, khi đề án mới là dự thảo đã có hiện tượng “chạy chức chạy ghế. Theo ông, để chống tình trạng này phải làm gì?

- Lo lắng đó là hoàn toàn chính đáng. Nó cũng giúp việc xây dựng đề án chặt chẽ, hiệu quả hơn trước khi trình các cấp có thẩm quyền. Đề án Bộ Nội vụ xây dựng có đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện sáp nhập.

Một trong những nội dung đề án đặt ra là sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó chú trọng đến công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để bảo đảm bố trí những người đủ phẩm chất.

Bên cạnh đó, đề án còn nhấn mạnh đến việc chính quyền địa phương các cấp chủ động triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi chuyển đổi giấy tờ liên quan và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát khi sáp nhập…

Làm tốt các giải pháp này cũng như thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, chúng tôi tin rằng việc triển khai sẽ đồng bộ và đạt kết quả tốt.

Xin cảm ơn ông!