Vị hoạn quan cuối cùng của Trung Quốc từng bị hành hạ trong nghèo đói khi còn trẻ, bị trừng trị trong cách mạng Văn hóa bởi là "nô lệ của hoàng đế", nhưng cuối cùng cũng được tôn trọng và thừa nhận, trở thành một tàn tích đặc biệt, một phần sống của lịch sử Trung Hoa.
Ông mang trong mình những câu chuyện về các nghi thức tàn khốc trong Tử Cấm Thành, về những giây phút cuối cùng của hoàng đế Phổ Nghi trong cung, về phiên tòa do người Nhật tổ chức những năm 1930. Từ khi rời cung, cuộc đời Tôn lọt thỏm trong cuộc chiến tranh, rồi trở thành một quan chức, sau đó lại bị đấu tố bởi những người cực tả, cuối đời mới được yên thân.
Tôn Diệu Đình những năm cuối đời, bên cạnh người viết tiểu sử của ông. Ảnh: LAT.
Đường đời gian truân của Tôn được ghi lại trong "Thái giám cuối cùng của Trung Quốc", do sử gia không chuyên Jia Yinghua thực hiện. Jia đã nhiều năm làm bạn với Tôn và nhớ đó biết được những bí mật đau đớn và thầm kín của Tôn - những điều quá khó để kể cho các nhà báo hay sử gia chính thức.
Mãi cho đến cuối đời Tôn mới được thừa nhận rằng ông chính là một phần còn sống động của lịch sử Trung Hoa. Cuốn tiểu sử, viết dựa trên hàng trăm giờ kể chuyện của Tôn trước khi ông qua đời năm 1996, mới đây đã được dịch sang tiếng Anh. Cuốn sách ra mắt trong dịp một nhà bảo tàng dành cho thái giám - xây dựng quanh mộ của một hoạn quan thế kỷ 16 - đang được trùng tu mở rộng. Tòa nhà dự kiến mở cửa trở lại vào tháng 5 này.
Cuốn tiểu sử đã mở tấm màn che giấu nhiều bí mật và những chuyện cấm kỵ như cuộc sống tình dục của các thái giám và vị hoàng đế mà họ phụng sự; chuyện tịnh thân thường diễn ra ở nhà và thường gây chết người; sự hoang dâm và nỗi ô nhục đi kèm với lời hứa hẹn về quyền lực.
"Ông ấy rất băn khoăn về việc có nên kể những bí mật của hoàng đế hay không", Jia cho biết và giải thích thêm rằng Tôn rất trung thành với chủ cũ bởi ông ta đã dành quá nhiều phần của cuộc đời mình cho họ.
"Tôi là người duy nhất được ông ấy tin cậy. Ông ấy thậm chí không tin gia đình mình nữa, bởi họ đã vứt của quý của ông ấy đi", Jia nói thêm khi đề cập đến từ lóng mà các thái giám dùng để chỉ cơ quan sinh sản của họ, vốn được cất giữ cẩn thận sau khi cắt rời.
Nó đã bị vứt đi trong thời Cách mạng văn hóa 1966-76, bởi khi đó việc lưu giữ bất kỳ thứ gì của chế độ cũ đều có thể dẫn đến hậu quả chết nhiều người.
"Ông ấy chỉ khóc vì hai điều khi kể với tôi, chuyện bị tịnh thân và chuyện mất của quý", Jia nói. Sử gia không chuyên này làm viên chức ngành năng lượng, đã dành tất cả thời gian rỗi của mình để nghiên cứu những ngày cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc.
Trò đùa của số phận
Sau nhiều năm nghiên cứu, Jia thu thập nhiều chi tiết về mọi mặt của cuộc sống cung đình cùng những bí mật về cuộc sống tình dục của hoàng đế.
Suốt nhiều thế kỷ, ở Trung Quốc, chỉ những người đàn ông không thuộc hoàng thất và đã tịnh thân mới được làm việc ở các khu vực riêng tư trong Tử Cấm Thành. Họ đã đổi cơ quan sinh sản của mình lấy hy vọng được tiếp cận hoàng đế và nhờ đó có thể một ngày nào đó sẽ giàu có về của cải và quyền lực.
Gia đình nghèo khó của Tôn đã đưa ông đi trên con đường đau đớn và đầy nguy hiểm này, với hy vọng ông một ngày nào đó sẽ đủ mạnh để trở về bắt nạt một địa chủ trong làng - kẻ đã tước đoạt ruộng và đốt nhà Tôn.
Người cha tuyệt vọng của Tôn thực hiện việc hoạn con trai 8 tuổi của mình trên một chiếc giường, trong căn nhà vách đất, không hề có thuốc giảm đau và chỉ dùng tờ giấy thấm dầu để làm băng gạc. Một chiếc lông ngỗng được đưa vào niệu đạo của Tôn, đề phòng nó bị tắc khi vết thương lành dần.
Tôn bất tỉnh mất ba ngày, và trong vòng hai tháng sau đó không thể đi lại được. Cuối cùng, khi ông có thể tự đứng lên và rời giường, trò đùa quái ác đầu tiên của số phận bắt đầu: Tôn biết tin vị hoàng đế mà ông muốn hầu hạ đã thoái vị vài tuần trước đó.
"Con tôi đau đớn mà chẳng được việc gì", cha của Tôn vừa khóc vừa đấm ngực khi hay tin trên. "Họ không cần thái giám nữa".
"Cuộc đời Tôn là một bi kịch. Ông ấy tưởng mình hy sinh cuộc đời cho cha, nhưng hóa ra sự hy sinh ấy là vô nghĩa", Jia ngậm ngùi nói. "Ông ấy rất thông minh và tinh quái. Nếu hoàng đế không mất ngôi, ông ấy sẽ có cơ hội lớn để trở thành một nhân vật quan trọng".
Vị cựu hoàng trẻ tuổi về sau vẫn được phép ở trong cung, và khi hoàng gia rời Tử Cấm Thành một thời gian sau đó, Tôn đã tiến thân trở thành một người hầu của hoàng hậu. Nhưng cùng với sự ra đi của hoàng triều, giấc mơ của Tôn vụt tắt.
"Ông ấy tịnh thân, nhưng hoàng đế thoái vị. Ông ấy cố vào Tử Cấm Thành, nhưng Phổ Nghi bị mất ngôi. Ông ấy theo triều đình lên phương bắc và rồi sau đó triều đình bù nhìn sụp đổ. Ông ấy cảm thấy số phận đã đùa cợt với cả cuộc đời ông", Jia kể.
Nhiều thái giám đã bỏ trốn và đem theo các báu vật của hoàng cung, nhưng Tôn chỉ đem theo những ký ức và một sự thính nhạy về chính trị - điều mà sau này đã giúp ông sống sót qua nhiều năm chiến tranh và cuộc chiến về hệ tư tưởng.
"Ông ấy không bao giờ giàu, không bao giờ có quyền lực, nhưng ông ấy giàu trải nghiệm và có nhiều bí mật", Jia nhận xét.