Cước vận tải nhấp nhổm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít). Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Điều này đồng nghĩa, giá mặt hàng xăng có thể tăng 1.000 đồng/lít.
Không tỏ ra bất ngờ với quyết định này nhưng ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thừa nhận, mức tăng 1.000 đồng/lít sẽ ảnh hưởng tới chi phí đầu vào bởi theo ông, xăng, dầu chiếm khoảng 30-40% trong chi phí đầu vào với doanh nghiệp vận tải.
Ông không phủ nhận việc giá cước có thể sẽ tăng thời gian tới. Tuy nhiên, về phía hội, ông cho biết sẽ khuyến cáo doanh nghiệp tính toán tiết giảm chi phí để chưa tăng giá ngay.
Còn ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội thì thẳng thắn, con số 1.000 đồng tưởng chừng nhỏ nhưng nếu cộng dồn vào cả năm sẽ dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng lớn.
“Khi chi phí đầu vào tăng, buộc doanh nghiệp phải tăng giá đầu ra như giá cước vận tải và người dân phải chịu chi phí này cuối cùng”, ông nói.
Một điểm khó theo ông là khi giá thành tăng lên, doanh nghiệp sẽ phải đàm phán tăng cước với khách hàng. Tuy nhiên, có những hợp đồng đã ký trước đó và kéo dài hàng năm thì doanh nghiệp phải chấp nhận đến khi kết thúc hợp đồng mới được điều chỉnh.
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nhận định, việc tăng giá xăng dầu còn ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác.
Ông thừa nhận, chính doanh nghiệp đang phải phải “gồng mình” chịu các loại thuế. Bởi vậy, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường sẽ buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá các sản phẩm và có thể làm yếu đi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Việc tăng giá xăng, dầu sẽ “đánh” vào doanh nghiệp, người tiêu dùng, đặc biệt là những người thu nhập thấp.
Thu ngân sách đang ở thế bí
Tỏ ra thấu hiểu những lo lắng trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, tất cả sản phẩm, dịch vụ đều “dính” khi tăng giá xăng, dầu.
“Xăng tăng thì từ hạt gạo, hàng dệt may, con gà, con vịt đều tăng hết”, ông lên tiếng.
Ông cũng đồng tình với quan điểm, việc nâng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu khiến giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đóng góp vào lạm phát.
Ông đặt ra câu hỏi vì sao không cắt giảm chi thường xuyên vốn đã lên tới 70% tổng chi ngân sách. Nhiều khoản chi lãng phí và kém hiệu quả như đi nước ngoài, lễ tân, tiếp khách theo ông hoàn toàn có thể cắt giảm nhưng cơ quan chức năng lại tính tới tăng thuế bảo vệ môi trường.
Vị này bày tỏ thêm, có thể tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng đi kèm với quyết định trên thì cần phải có quyết định về tiết kiệm, cắt giảm chi ngân sách. Ông mong muốn Quốc hội kỳ họp tới sẽ có xem xét vấn đề này.
Bàn thêm về ý kiến này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, việc giảm chi cũng là giải pháp nhưng đây là vấn đề “chưa giảm ngay được”.
Vị chuyên gia cho rằng, tăng thuế là bất khả kháng dù biết việc này sẽ “đánh” vào doanh nghiệp, người tiêu dùng, đặc biệt là những người thu nhập thấp.
Trả lời cho câu hỏi thu thuế bảo vệ môi trường liệu có được dùng cho môi trường không, ông Hồ bày tỏ, có thể các khoản không thể tập trung hoàn toàn cho môi trường được. Theo quy định, đây là khoản thu hòa chung vào tổng thu và chi thì phải phân bổ tới các khoản khác nhau, có thể chỉ liên quan chứ không hoàn toàn là môi trường.
Tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu không chỉ đẩy giá các loại nhiên liệu tăng mà còn khiến mặt bằng...