Phạm Đức Anh (giữa) trong ngày tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)
Đức Anh được chọn làm người phiên dịch, hộ tống cho Công chúa Thái Lan Mom Luang Rajadarasri Jayankura. Dưới đây là câu chuyện của Đức Anh kể lại với phóng viên Dân Việt về kỷ niệm lần gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Công an.
Đó là tháng 3.2014, đang là cao điểm VESAK. Khối lượng công việc của không chỉ ban tổ chức mà các tình nguyện viên là rất lớn. Tôi được chọn đi theo bà Jayankura lúc ấy vừa đến Việt Nam để tham dự Đại lễ.
Công việc chính của tôi là phiên dịch cho Công chúa và giúp bà sắp xếp lịch trình một cách hợp lý.
Ngày 9.3, Công chúa có một cuộc gặp riêng với các vị quan chức, lãnh đạo Việt Nam, trong đó có bác Trần Đại Quang – khi ấy là Bộ trưởng Bộ Công an.
Cuộc gặp diễn ra vào khoảng 16h chiều nhưng vì lý do cá nhân, Công chúa đến muộn. Lúc ấy, tôi cũng đứng ở trong phòng đợi với các vị lãnh đạo. Lúc ấy, ai cũng bận bịu nên tỏ ra sốt ruột khi mãi chưa thấy Công chúa đâu. Tuy nhiên, tôi nhớ bác Quang lại bình thản hơn tất cả.
Chờ một lúc, Ban tổ chức mời bác Trần Đại Quang và các vị lãnh đạo lên phòng để sắp xếp chỗ ngồi trước đợi Công chúa Thái Lan lên sau. Chính khoảnh khắc này đã làm tôi nhớ mãi.
Công chúa Thái Lan Mom Luang Rajadarasri Jayankura. (Ảnh: Asian Affairs)
Khi đi qua cửa, tôi – khi ấy mới chỉ là một cậu sinh viên, một tình nguyện viên phiên dịch – cúi chào bác. Đáp lại, bác Trần Đại Quang cũng cúi đầu chào tôi, cùng một nụ cười thân thiện và ân cần.
Tôi thật sự rất bất ngờ. Trong những ngày đi phục vụ đoàn Thái Lan và đặc biệt là Công chúa Jayankura, tôi phải thường xuyên chịu áp lực lớn và rất căng thẳng.
Thế nhưng bác Quang, khi ấy là một Ủy viên Bộ Chính trị, một vị Bộ trưởng Bộ Công an, lại có một cử chỉ ân cần với một sinh viên năm 2 như tôi khiến những áp lực phải chịu trong nhiều ngày qua tiêu tan trong chớp mắt. Đó là một kỷ niệm khiến tôi thực sự không thể quên.
Cuối cùng, Công chúa Jayankura xuất hiện ở phòng ăn. Bác Quang là người đứng lên đầu tiên để chào đón vị khách quý.
Khi tôi được Ban Tổ chức giới thiệu là người phiên dịch của Công chúa Thái Lan và cũng là người Việt Nam, bác Trần Đại Quang một lần nữa lại gật đầu chào tôi rồi nói: “Đồng chí còn trẻ quá, có gì giúp đỡ mọi người”.
Trên bàn ăn, với tư cách là chủ nhà, bác chủ động giới thiệu lần lượt những người khác trên bàn bằng một giọng rất ấm. Bác cũng thường xuyên hỏi ý kiến của Công chúa Jayankura về ấn tượng các món ăn. Trong mắt tôi khi ấy, bác có cách nói chuyện khéo léo, thân thiện, giống như một người bạn thân thiết của Công chúa Jayankura.
Vừa nói chuyện với khách, bác Quang cũng vừa để ý tới người phiên dịch của Công chúa, là tôi. Bác thường nhìn lại để xem tôi có nghe được rõ không, chủ động nói to hơn, rõ hơn... Những điều này giúp cho công việc phiên dịch thuận lợi hơn rất nhiều.