Trước đó, ngày 31.1, Ban Nội chính T.Ư đã tiếp nhận con người, cơ sở vật chất từ Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng với hơn 80 nhân sự. Việc tiếp nhận tổ chức, bộ máy, nhân sự từ Vụ Pháp luật và Vụ Nội chính - thuộc Văn phòng T.Ư - như quyết định của Bộ Chính trị đã đề ra, sẽ được triển khai sau đó.
Ngày 1.2, Ban Kinh tế T.Ư sẽ nhận chuyển giao tổ chức, bộ máy, con người từ Vụ Kinh tế và Vụ Xã hội (thuộc Văn phòng T.Ư Đảng), tổng cộng hơn 30 người, để bắt đầu thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành T.Ư mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Do hai tân trưởng ban này đều đang kiêm nhiệm chức vụ khác, Ban Bí thư đã bổ nhiệm hai phó ban. Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Phạm Anh Tuấn (tiến sĩ luật) nguyên là Trưởng Ban Xây dựng pháp luật Văn phòng Chính phủ, tháng 12.2008 sang làm Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng.
Còn Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Bùi Văn Thạch (tiến sĩ kinh tế) từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Thư ký, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Văn phòng Trung ương Đảng. Tháng 10.2008, ông được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, đến cuối tháng 4.2012 trở về làm Phó chánh Văn phòng T.Ư Đảng.
Theo Quyết định 159 của Ban Bí thư, Ban Nội chính T.Ư gồm 6 nhóm nhiệm vụ chính. Trong đó, đáng chú ý là nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật (trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và PCTN); một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và PCTN; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm VKS, tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội) và Hội Luật gia VN, Liên đoàn Luật sư VN.
Cũng trong nhóm này, Ban Nội chính có nhiệm vụ đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.
H.P