Dân Việt

Trung Nguyên không thừa nhận bà Lê Hoàng Diệp Thảo

DV (tổng hợp) 22/09/2018 10:24 GMT+7
Mặc dù tòa án chấp thuận hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên) đối với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhưng phía Trung Nguyên lại không thừa nhận phán quyết này.

Theo Dân Trí: Ngay sau khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo được TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên thì phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên đã ngay lập tức “phản pháo”.

img

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Nguồn: Internet

Trong bản thông tin dành cho báo chí ngày 21.9, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và các cộng sự tại Trung Nguyên nêu “Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2014, căn cứ quyền và nghĩa vụ của chức danh Tổng giám đốc và Bản án phúc thẩm ngày 20.9.2018 của TAND Cấp cao tại TP.HCM, nên ngày 21.9.2018, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã ban hành quyết định số 06/2018/QĐBN-TGĐ về việc “Bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”.

Sóng gió giữa “ông bà chủ” của Trung Nguyên vẫn tiếp tục diễn ra và một lần nữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại bị từ chối chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực. Nguồn: Dân Trí

Trong bản thông tin, ông Vũ và các cộng sự cho rằng “mục đích của bà Thảo là chiếm trọn Tập đoàn Trung Nguyên nên bà Thảo muốn ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt buộc phải là người tâm thần, người mất năng lực hành vi dân sự”.

“Luôn có một kế hoạch bài bản cho lộ trình thực hiện dã tâm của bà Thảo và tùy vào thời điểm để vận dụng các cách thức khác nhau, khi thì gây rối, đe dọa các nhân viên để không còn ai dám làm việc cho Trung Nguyên trong thời điểm này; lúc thì phá hoại để làm tê liệt hệ thống vận hành của Trung Nguyên. Nhưng xuyên suốt diễn trình thì tuyên bố ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất năng lực hành vi dân sự là mục tiêu mà bà Thảo luôn theo đuổi vì đây là cách nhanh nhất để thâu tóm Trung Nguyên”, bản thông tin nêu rõ.

Ngoài ra, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cho rằng, bà Thảo liên tục phá hoại Tập đoàn Trung Nguyên trên mọi phương diện để buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải nhượng bộ quyền quản lý, điều hành. Gây rối, đe dọa nhân viên và cộng sự của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong cuộc tranh giành tài sản và quyền quản lý, điều hành tại Trung Nguyên.

Như Dân Việt đã đưa tin: Sáng 20.9, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên xét xử vụ “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên với nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (45 tuổi), khởi kiện bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi, chồng bà Thảo).

Trong vụ kiện, ông Nguyễn Duy Phước đại diện cho Trung Nguyên và là bên có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Trong phiên tòa, cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều vắng mặt, ủy quyền cho người đại diện pháp luật tham dự phiên tòa.

Theo đơn khởi kiện, bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đồng sáng lập và sở hữu 10% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. Hồi năm 2006, bà Thảo được bổ nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực công ty với vai trò điều hành quản lý theo ủy quyền của chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Tuy nhiên, đến tháng 7.2014, ông Vũ đột ngột bãi nhiệm mọi chức vụ của vợ tại Trung Nguyên. Bà Thảo cho rằng ông Vũ còn có động thái ngăn cấm, cản trở bà đến trụ sở công ty và thực hiện quyền điều hành quản lý. Vì vậy, giữa năm 2017, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khởi kiện chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên nhằm yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của mình.

Bà Thảo cho rằng quyết định này đã được ông Vũ ban hành trái quy định pháp luật và yêu cầu ông Vũ chấm dứt hành vi ngăn chặn bản thân thực hiện các quyền và trách nhiệm điều hành công ty với tư cách thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc thường trực.

Cuối tháng 9.2017, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Cụ thể, bản án sơ thẩm tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký, khôi phục lại chức danh cho bà này. Đồng thời, yêu cầu ông Vũ cũng không được cản trở vợ tham gia điều hành quản lý công ty đúng chức trách.

Ngoài ra, tòa cũng ghi nhận các thỏa thuận của đương sự về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đồng ý cung cấp báo cáo tài chính, các Điều lệ, Nghị quyết, Biên bản họp của Hội đồng quản trị (HĐQT), Đại hội đồng cổ đông cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề nghị cấp phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Trong đơn kháng cáo của mình, ông Vũ cho rằng việc bà Thảo tố cáo bị ông ngăn chặn cản trở việc tham gia điều hành, quản lý công ty với tư cách thành viên HĐQT là không có căn cứ chứng, không đúng với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cũng có đơn kháng cáo cho rằng những yêu cầu khởi kiện của bà Thảo không phải là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án mà thuộc về nội bộ công ty gồm HĐQT và Đại hội đồng cổ đông công ty xử lý.

Sau khi nghị án, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. Do đó, bản án sơ thẩm được giữ nguyên, chấp nhận 1 phần yêu cầu của nguyên đơn, huỷ bỏ quyết định bãi nhiệm chức vụ chức danh của bà Thảo. Ngoài ra, tòa cũng yêu cầu ông Vũ không được ngăn cấm, cản trở quyền điều hành, quản lý của bà Thảo.

Nguồn: Vitalk