Giá xăng, dầu sắp cõng 4.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua đã biểu quyết thông qua nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Theo đó, thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức hiện tại là 3.000 đồng/lít). Thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Đây là vấn đề đã được đề xuất nhiều trước đó. Một trong những lý do được đưa ra là khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tiết kiệm hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến môi trường, khuyến khích việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, giới doanh nghiệp và chuyên gia lo lắng, với mức tăng này, giá cước vận tải sẽ tăng trong thời gian tới kéo theo đó là rất nhiều hàng hóa, dịch vụ. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới túi tiền người dân mà còn sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít thay vì mức hiện tại là 3.000 đồng/lít.
Đi 2km, khách Nhật Bản bị taxi "dù" chém… 267.000 đồng
Chiều 16/9, một vị khách người Nhật Bản đã vẫy chiếc taxi BKS 30A-683.16, đeo mào ghi chữ ‘Hà Nội’, để di chuyển từ phố Lê Văn Hưu (phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng) tới phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm). Thời gian ngồi trên xe khoảng 10 phút.
Theo lời tố cáo của ông M.C, sinh năm 1974, chuyên gia công nghệ thông tin mang quốc tịch Nhật Bản, sau khi hoàn tất quãng đường, lái xe taxi đã thu phí tới… 267.000 đồng cho đoạn đường khoảng 2 km.
Vị khách trên vẫn thanh toán đầy đủ và đề nghị lái xe ghi biên lai cước phí, đồng thời chụp hình lại chiếc xe. Thông tin trên biên lai theo ghi nhận cũng không chính xác. Biển kiểm soát của xe bị ghi sai chữ số cuối, trên biên lai là “30A-683.17”, thay vì “30A-683.16” như thực tế.
Vị khách người Nhật Bản sau đó chia sẻ câu chuyện với người bạn Việt Nam và biết mình bị lừa. Bạn của ông đã thử gọi điện tới số tổng đài ghi trên mào xe song không liên lạc được.
Một loạt sai phạm vụ bán cảng Quy Nhơn giá “bèo”
Một loạt đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải trong việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn đều bị coi là không đúng đề án, thiếu căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn.
Tuần qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố trong kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) từ giai đoạn cuối năm 2010, đầu năm 2011 đến nay.
Theo kết luận khi đề xuất chuyển nhượng hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT bổ sung, giải trình những nội dung quan trọng mà Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra về kinh tế - an ninh - quốc phòng hiện tại và lâu dài cần phải được làm rõ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đã không xem xét, đánh giá toàn diện những nội dung các cơ quan nói trên đã nêu mà tiếp tục có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn. Điều này theo kết luận là “thiếu căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và đại diện chủ sở hữu đối với Vinalines”.
Ngoài ra, việc Bộ GTVT đã ban hành 2 văn bản chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm quy định hiện hành.
Sẽ có khoảng 50.000 căn hộ giá từ 150 triệu đồng
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang tiến hành xây dựng 50 thiết chế công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị , y tế, văn hóa, thể thao, tư vấn pháp luật… tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết mỗi một thiết chế công đoàn sẽ có khoảng 1.000 căn hộ từ 30-45m2 được xây dựng đồng bộ để khi bàn giao cho công nhân gắn liền với các công trình dịch vụ như nhà trẻ, siêu thị….
Cơ quan chức năng dự kiến, giá bán nhà ở cho công nhân sẽ vào khoảng 5 triệu đồng/m2, giá một căn hộ sẽ từ 150 triệu đồng trở lên.
Đến nay, đã có 20 tỉnh được cấp đất xây dựng thiết chế công đoàn, việc cấp đất được các địa phương ủng hộ. 30 địa phương còn lại đang tích cực làm việc để sớm có đất đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn.
Cơ quan chức năng dự kiến, giá bán nhà ở cho công nhân sẽ vào khoảng 5 triệu đồng/m2, giá một căn hộ sẽ từ 150 triệu đồng trở lên.
Công bố kết luận thanh tra cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
Thanh tra Chính phủ trong tuần đã công bố kết luận thanh tra “công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam”.
Theo kết luận Thanh tra, trong quá trình quản lý sử dụng 4 cơ sở nhà, đất, Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Đến thời điểm kiểm tra (30/10/2017), Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục để ký tiếp hợp đồng thuê đất đối với 2 cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội và số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP.Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, theo kết luận việc Hãng phim truyện Việt Nam ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.
Chủ tịch điều hành Alibaba, tỷ phú Jack Ma vừa công bố quyết định hiếm hoi trong giới tài phiệu ở Trung Quốc: nghỉ hưu...