Dân Việt

Phí gửi xe xem chọi trâu Đồ Sơn cao hơn giá vé vào cửa mọi năm

Giang Chinh 23/09/2018 14:56 GMT+7
Năm đầu tiên không bán vé, giá trông xe xem hội chọi trâu ở Hải Phòng đắt hơn giá vé cộng giá gửi xe mọi năm.

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2018 vừa kết thúc với hàng chục nghìn người tham dự - con số đông nhất từ trước đến nay. Sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn sức chứa 12.000 người luôn chật kín, hàng nghìn người khác không được vào sân nên đành phải ra về.

Đây là năm đầu tiên sau nhiều năm, hội chọi trâu Đồ Sơn được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và không bán vé dự hội theo công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.


img

Vé trông xe xem chọi trâu không ghi ngày tháng, không niêm yết giá. Ảnh: Giang Chinh

Điều bất ngờ xảy ra khi giá vé gửi xe tại điểm trông xe của Ban tổ chức cao hơn cả giá vé xem chọi trâu cộng chi phí gửi xe của những năm trước.

Cụ thể, giá vé trông ôtô 4-7 chỗ là 150.000 đồng; trên 7 chỗ là 200.000-250.000 đồng/xe... Ngoài ra, giấy mời có dấu đỏ và chữ ký của lãnh đạo quận được "dân phe" rao bán công khai trước cổng vào đấu trường với giá 100.000 đồng/vé đơn, 150.000 đồng/vé đôi.

Ngoài ra, số tiền các chủ trâu đóng “lệ phí” để được thi đấu là gần 1 tỷ đồng cho 16 trâu (thấp nhất 50 triệu và cao nhất 60 triệu đồng), trong khi tổng giá trị giải thưởng chỉ là 150 triệu đồng, trâu vô địch được trao 70 triệu đồng.

Việc giấy mời bán công khai, ông Hiếu khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật, ông lý giải có thể do các chủ trâu được ban tổ chức tặng giấy mời, nhưng họ không sử dụng hết nên mang bán.

img

Phe giấy mời trước của sân vận động ngày khai mạc Hội chọi trâu. Ảnh: Giang Chinh

Trước thắc mắc chủ trâu đóng phí thi đấu cao nhưng giá trị giải lại thấp, ông Hiếu cho rằng nhiều năm nay quận không sử dụng ngân sách tổ chức hội choi trâu mà dựa vào xã hội hóa, trong đó có tiền bán vé (1 tỷ đồng), tiền các nhà tài trợ, tiền các chủ trâu tự nguyện đóng, tiền dịch vụ trông giữ xe. Tuy nhiên, năm nay, Ban tổ chức “thất thu” vì không được bán vé. Do vậy, giá trị giải thưởng sẽ bị giảm đi.

Cũng theo ông Hiếu, Ban tổ chức không bắt buộc các chủ trâu đóng góp, không có mức đóng góp sàn mà trên tinh thần vận động ai có nhiều góp nhiều, ai có ít đóng ít, còn ai không có quận không bắt buộc. Số tiền gần 1 tỷ đồng các chủ trâu đóng góp, phường giữ lại 50%, còn 50% chuyển về cho ban tổ chức để trang trải cho lễ hội.

Việc chi những khoản gì và tổng số tiền thu được từ tất cả các nguồn là bao nhiêu, ông Hiếu nói "chưa tổng kết lễ hội nên chưa có con số cụ thể" và "chỉ cung cấp con số đó cho cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra".